Quy chuẩn sữa: không thể vì lợi ích của riêng DN nào

Kinh tế - Ngày đăng : 15:13, 06/08/2015

Đã có câu hỏi đặt ra, quy chuẩn sữa được Bộ Y tế chủ trì xây dựng và các bộ, ngành, các doanh nghiệp (DN) tham gia ý kiến hiện đã “chuẩn” chưa và có cần thiết phải thay đổi hay không?


Qui chuẩn sữa VN: quá trình xây dựng

Theo ông Trần Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội sữa VN, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, Qui chuẩn sữa VN được xây dựng từ năm 2010 (QCVN 5-1:2010) của Bộ Y tế ban hành. Quy chuẩn này lần đầu tiên đưa ra khái niệm “sữa tiệt trùng”, được nhiều chuyên gia về dinh dưỡng cho rằng, còn chi tiết hơn tiêu chuẩn của Codex (Ủy ban tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế mà VN là thành viên cấp Chính phủ). “Thời điểm đó, tôi còn chưa về Cục An toàn thực phẩm (nơi được giao xây dựng để Bộ trưởng Y tế phê chuẩn”. Nhưng lúc đó cũng không phải do một mình Bộ Y tế ban hành mà nó được xây dựng, tiếp thu từ nhiều bộ, ngành như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến của nhiều DN”, ông Trung cho biết.

Qui chuẩn sữa hiện nay đã đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Với việc áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế, ngành sữa VN mới đảm bảo uy tín và tạo lợi thế cho việc xuất khẩu sữa ra nước ngoài, nhất là khi VN hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới với các hiệp định FTA quan trọng sắp tới.


Từ khi có quy chuẩn sữa đến nay, theo ông Trung, các sản phẩm sữa khi đưa ra thị trường đểu được quản lý khá chặt chẽ về chất lượng và chính điều này, cũng góp phần làm cho thị trường sữa VN phát triển lành mạnh. Cho đến nay, các sản phẩm sữa tại VN trước khi đưa ra thị trường đều được Bộ Công Thương và Bộ Y tế xét duyệt, cấp phép.

Theo TS Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký kiêm Giám đốc Văn phòng Codex Việt Nam, các tiêu chuẩn, qui chuẩn về sản phẩm sữa do Bộ Y tế và các bộ tham gia xây dựng, ban hành đều có tham khảo, trao đổi với Uỷ ban Codex (Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế). Ông nói “Các tiêu chuẩn về thực phẩm dựa vào Codex là hài hoà nhất. Do Codex là tổ chức của Liên hợp quốc, FAO, WHO nên tiêu chuẩn được áp dụng cho 99,5% dân số thế giới, 189 quốc gia”,

Tuy nhiên, theo ông Giám đốc Văn phòng Codex VN, thực tế, VN lại có nhiều sản phẩm hơn trong quy định của Codex. “Cho nên, có những chỗ dựa vào Codex là chắc chắn, có những sản phẩm trong Codex không có, ví dụ như sữa vừa hoàn nguyên, vừa có sữa tươi, thêm các loại vi chất khác nên phải có những điều chỉnh, ví dụ sữa dạng lỏng tiệt trùng, sữa dạng lỏng thanh trùng…”, ông nói. Nhưng ông Quỳnh cũng khẳng định, khi chuyển đổi tiêu chuẩn Codex sang VN, về cơ bản các chỉ số kỹ thuật, yêu cầu chất lượng, an toàn phải phù hợp với Codex. “Khi chúng ta đưa những khái niệm chuyển đổi quốc tế về không phải lúc nào cũng được chấp nhận ngay. Bởi chúng ta đã quen gọi theo những tên gọi truyền thống. Tuy nhiên, chưa quen rồi sẽ quen, do tên gọi mới phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Quỳnh nói.

Có cần phải thay đổi?

Trong một cuộc họp mới đây của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội về vấn đề quản lý sữa tươi nguyên liệu và sản phẩm sữa dạng lỏng, đã có một vài ý kiến đề nghị Bộ Y tế cần sửa quy chuẩn về khái niệm sữa do Bộ này ban hành, đã áp dụng 5 năm qua.

Nhưng trái ngược quan điểm này, nhiều chuyên gia ngành sữa cho rằng, ý kiến này không hợp lý. Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Quỳnh, qui chuẩn sữa hiện nay đã đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Ông nói: “Thực tế, với việc áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế, ngành sữa VN mới đảm bảo uy tín và tạo lợi thế cho việc xuất khẩu sữa ra nước ngoài, nhất là khi VN hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới với các hiệp định FTA quan trọng sắp tới”.

Trong cuộc họp mới đây của Ủy ban Khoa học-Công nghệ và môi trường của Quốc hội, ông Lê Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng cho rằng, Qui chuẩn sữa VN hiện hành là “dễ hiểu, phù hợp với thông lệ quốc tế”. Phó Chủ tịch Hiệp hội sữa VN Trần Quang Trung cũng nêu quan điểm: “Hiện nay cũng có ý kiến đề nghị sửa quy chuẩn trên nhưng theo tôi, Bộ Y tế nên cân nhắc”. Ông nói: “Nếu thực sự cần thiết thì chúng ta có thể sửa bất cứ luật nào nếu cần nhưng cũng nên tránh việc sửa quy chuẩn chỉ vì ý kiến của một DN ảnh hưởng đến số đông DN khác, làm ảnh hưởng đến thương hiệu của người ta nhất là khi đa số DN cho rằng không cần sửa thì càng phải thận trọng”.

“Chúng ta cũng phải căn cứ trên yêu cầu hội nhập vì có những tiêu chuẩn, qui chuẩn thực phẩm, trong đó có ngành sữa cũng phải đáp ứng, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn SPS, PPP. Vì các nước họ xuất khẩu sữa sang VN, họ đã đầu tư lớn nên không đúng tiêu chuẩn quốc tế họ cũng phản ứng lại chứ. Chứ không phải VN muốn làm gì thì làm. Các DN thuộc Phòng thương mại Châu Âu tại VN (Eurocham), hay Phòng Thương mại Mỹ tại VN (Amcham),…họ cũng có ý kiến”, ông Trung nói.

Theo ông Phó chủ tịch Hiệp hội sữa VN, “Ở ta hay nói sữa tươi “sạch” nhưng sạch của nó cũng có tiêu chuẩn. “Sạch” theo như cách nói của VN nó không giống ai”. Theo ông, có những vấn đề nếu chỉ có một ý kiến DN cũng không tham khảo được nếu nó không đảm bảo khách quan, phù hợp với yêu cầu hội nhập, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Ngành sữa VN vẫn đang trên đà phát triển. Theo nghiên cứu, khảo sát của Tổ chức Euromonitor International, năm 2014 doanh thu ngành sữa VN đạt 75 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng 20% và năm 2015 ước đạt 92 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng 23%. Tổ chức này cũng dự báo, những năm tới, ngành sữa VN sẽ tăng trưởng 9%/năm, đạt mức 27-28 lít sữa/người/năm vào năm 2020. Trong đó, ngành sữa nước, sữa dạng lỏng cũng phát triển mạnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, duy trì một qui chuẩn đã được nghiên cứu, xây dựng công phu, khoa học và vẫn phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của đa số doanh nghiệp là điều cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành sữa VN.

Hà Anh