Trung Quốc có ngăn được đà lao dốc của chứng khoán?

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 10:50, 06/08/2015

(HNMO) - Mức giảm gần 9% của thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm thứ 2 đầu tuần đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng “hạ cánh cứng” của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

(HNMO) - Mức giảm gần 9% của thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm thứ 2 đầu tuần đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng “hạ cánh cứng” của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Để ngăn chặn sự lao dốc của thị trường chứng khoán, Bắc Kinh đã tiến hành hàng loạt các biện pháp mạnh tay như cấm bán khống cổ phiếu và bơm lượng lớn thanh khoản để đẩy giá chứng khoán. 

Tổng công ty Tài chính Công Trung Quốc đã được giao 500 tỷ USD để mua cổ phiếu nhằm vực dậy thị trường, ngăn chặn sự hoảng loạng của các nhà đầu tư. Thế nhưng, thị trường vẫn tiếp tục lao dốc không phanh. Lượng vốn cần thiết để nâng đỡ thị trường ngày một gia tăng. Những biện pháp mà Chính phủ từng sử dụng để can thiệp thị trường giờ đây không thành công nữa.


Chính phủ Trung Quốc lo sợ sẽ để mất niềm tin trong con mắt của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo bài phân tích trên trang CNN, chuyên gia tài chính – ngân hàng Christopher Balding, Phó giáo sư tại Trường Kinh doanh HSBC, Đại học Peking cho rằng, điều khiến Bắc Kinh lo ngại hơn, đó là các vấn đề tài chính nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ.

Theo chuyên gia này, bùng nổ kinh tế Trung Quốc kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 chủ yếu là nhờ vào các khoản vay nợ, với tổng mức nợ công của Trung Quốc hiện đã vượt qua Mỹ. Kể cả sự bùng nổ gần đây của thị trường chứng khoán cũng tới từ việc các nhà đầu tư đi vay tiền để mua cổ phiếu.

Theo thống kê, có khoảng 35% cổ phiếu giao dịch tự do tại Trung Quốc được mua bằng tiền vay nợ. Mặc dù, chỉ số chứng khoán Shanghai Composite vẫn tăng 82% so với tháng 7/2014, mức giảm lên tới 27% chỉ tính từ ngày 8/6 trở lại đây đã khiến giới đầu tư hoảng loạn.

Các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Thượng Hải, Trung Quốc.

Sự lao dốc mạnh của thị trường chứng khoán đã cho thấy sự mong manh của hệ thống tài chính Trung Quốc.

Xét về các yếu tố nội địa, lợi nhuận doanh nghiệp chững lại, giá sản xuất giảm sút khiến doanh nghiệp khó trả nợ. Ngành xây dựng và bất động sản, vốn chiếm gần 30% GDP đang dư thừa nguồn cung nghiêm trọng, gây sức ép lớn về giá cả.

Các chính phủ địa phương với gánh nặng nợ công lớn buộc phải hủy bỏ nhiều dự án và gặp khó trong việc thanh toán các khoản nợ. Bắc Kinh yêu cầu các ngân hàng tiếp tục thúc đẩy cho vay, ngay cả khi các chính quyền địa phương không thể trả nợ.

Khó khăn càng chồng chất khi từ bên ngoài, giá dầu thế giới sụt giảm mạnh do nhu cầu của Trung Quốc giảm sút, kéo theo sự suy yếu của nhiều nền kinh tế mới nổi khác, vốn là các thị trường quan trọng của Bắc Kinh.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng đã khiến nguồn vốn ồ ạt chảy khỏi Trung Quốc. Trong quý 2 năm nay, lượng vốn chảy khỏi nước này đã lên tới con số khổng lồ 225 tỷ USD.

Với hàng loạt những rủi ro, khả năng lớn là thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn sẽ còn nhiều biến động. Và giới đầu tư sẽ tiếp tục đợi xem, chính phủ Trung Quốc sẽ kiểm soát rủi ro này như thế nào?

Thanh Hà