Căng thẳng mức tăng lương tối thiểu 2016!

Đời sống - Ngày đăng : 08:19, 06/08/2015

(HNMO) - Phiên họp thảo luận về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2016 giữa đại diện ba bên do chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia chủ trì diễn ra khá căng thẳng. Đến cuối ngày 5/8 hôm qua, phiên họp kết thúc nhưng các bên vẫn không thể chốt được mức lương tối thiểu...

Sáng 5/8, tại trụ sở Bộ LĐTBXH, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng 2016. Tham gia cuộc họp đủ ba thành viên: Bộ LĐTBXH, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đại diện cho người lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đại diện cho người sử dụng lao động.

Công nhân các công ty, khu công nghiệp chen chúc rút tiền từ các cây ATM
tại nơi làm việc sau giờ tan ca. ảnh: Hà Nguyễn.


Cuộc họp đã kéo dài tới cuối buổi chiều cùng ngày với những trao đổi, tranh luận thẳng thắn về các phương án điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) mà hai bên đưa ra. Phía Tổng LĐLĐVN đưa ra phương án tăng từ 350 nghìn đến 550 nghìn đồng, chiếm khoảng từ 15-17%. Phía đại diện của người sử dụng lao động (VCCI) đưa ra phương án tăng 6-7,2%, mức tăng tuyệt đối là khoảng 250 nghìn.

Trước đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã họp và đề xuất với VCCI cơ quan đại diện cho mình mức tăng tuyệt đối năm 2016 là 200 nghìn đồng, các vùng còn lại là 150 nghìn đồng. Năm 2017 và 2018 mức tăng vùng 1 là 250 nghìn đồng, vùng còn lại là 200 nghìn đồng. Hiệp hội cũng đề nghị Nhà nước nghiên cứu giảm các tỉ lệ đóng các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn một cách hợp lý. Bởi việc tăng lương tối thiểu ở vùng ở mức cao và duy trì tỉ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm, công đoàn cao như hiện nay là một nguyên nhân khiến doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, trốn đóng và chậm đóng BHXH, làm ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động...

Về mức đề nghị này đại diện VCCI cho biết, mức đề xuất này được VCCI xây dựng trên cơ sở phân tích của các bộ phận kỹ thuật và các phản hồi thực tế của doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về các nguồn chi như BHXH, chi phí sản xuất, thực tế là DN phải thay mặt người lao động chi trả các khoản BHXH, BHYT, BHTN”.

Cũng theo VCCI, thống kê mới nhất cho thấy cả nước có khoảng 483.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi do đó ảnh hưởng đến việc chi trả các chế độ chính sách cho người lao động. Một giám đốc của ngành dệt may cũng phân tích việc doanh nghiệp đưa ra con số LTT như vậy là hợp lý. Lý do là nếu tăng cao hơn thì thì doanh nghiệp không chịu nổi do phải đóng tăng thêm các phí mà doanh nghiệp phải đóng cho người lao động theo luật định là 24%.

Hơn nữa các chính sách bảo hiểm xã hội từ ngày 1-1-2016 sẽ thay đổi làm áp lực tăng chi phí của doanh nghiệp lên thêm, doanh nghiệp lại càng khó khăn. Và ngay bản thân người lao động cũng phải đóng tăng thêm tương ứng với mức 10,5%, điều đó cũng làm thu nhập của họ bớt đi.

Phia người lao động, đại diện là Tổng LĐLĐ VN lại phân tích mức lương tối thiểu của người lao động mới chỉ đáp ứng được 75% mức sống tối thiểu. Đề nghị tăng như trên, lương tối thiểu vùng năm 2016 cũng mới đáp ứng được khoảng 89% đời sống tối thiểu của người lao động. Tăng như vậy đến năm 2017, lương tối thiểu vùng tăng thêm 11% còn lại nhằm đảm bảo lộ trình tăng lương tối thiểu nhằm đáp ứng mức sống tối thiểu vào năm 2017. Trên thực tế người công nhân tại các khu công nghiệp, chế xuất với mức thu nhập khoảng trên dưới 4 triệu đồng tháng hiện đang rất khó khăn. Họ phải ăn uống rất kham khổ để dành dụm tiền nuôi con ăn học. Họ mong được tăng lương để bữa ăn có thêm tí thịt, cá...

Được biết, đến cuối buổi họp chiều phía VCCI nhượng bộ chấp nhận phương án tăng từ 7,2% lên 10%. Phía Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng phương án đó vẫn thấp không đáp ứng được nhu cầu của người lao động cũng như không bảo đảm mức tăng của năm 2014, bàn cho năm 2015, cho nên Tổng LĐLĐVN vẫn đề nghị phương án cao hơn.

Sở dĩ việc tranh luận để đi đến thống nhất giữa hai bên là rất khó khăn vì mức độ chênh lệch nhau đang quá lớn. Có thể nói sự phân tích của bên nào cũng có lý vì đều dựa trên nhưng quy định của pháp luật. Người lao động đòi hỏi mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu. Người sử dụng lao động lại lập luận trên cơ sở doanh nghiệp đang chịu áp lực trong bối cảnh cạnh tranh, các chi phí đầu vào tăng lên. Sự thay đổi chính sách bảo hiểm xã hội đòi mức đóng cao hơn… Tất cả điều đó đang làm giá thành của sản phẩm tăng lên, làm mất khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy doanh nghiệp vào khó khăn và như vậy có thể làm cho người lao động mất việc làm gặp khó khăn theo hiệu ứng domino.

Làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa người lao động vốn thế yếu hơn với người sử dụng lao động là việc khó khăn. Giải pháp lâu dài để điều chỉnh tăng lương là nhà nước cần tác động bằng các chính sách sao cho năng suất lao động tăng lên và nghiên cứu các khoản đóng BHXH, y tế… hợp lý. Trước mắt có thể nên đưa ra các mức lương tối thiểu cho từng ngành để giảm bớt khó khăn cho những ngành đang gặp khó khăn…

Được biết cuộc họp này sẽ tiếp tục sau vài tuần nữa nhưng với cách lập luận của cả hai bên, thiết nghĩ ông Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia nên hướng tới mức ưu tiên về phía người lao động. Có thể mức tăng 12% là mức mà hai bên có thể chấp nhận.

Minh Bắc