Vụ nổ ở nhà máy điện hạt nhân khác gì với vụ nổ bom nguyên tử?
Công nghệ - Ngày đăng : 06:51, 06/08/2015
Trần Bá Ninh (quận Long Biên, Hà Nội)
- Theo Trung tâm Thông tin năng lượng nguyên tử, lò phản ứng hạt nhân tại NMĐHN khác bom nguyên tử ở đặc điểm: Tại NMĐHN, phản ứng dây chuyền được giám sát, do vậy nhiệt lượng được tạo ra từ từ và liên tục được nước làm tỏa đi. Có thể "tăng tốc" lò phản ứng, nghĩa là tăng công suất của nó, hay là tắt lò khi dừng phản ứng dây chuyền phân chia.
Ngược lại, trong quả bom nguyên tử, phản ứng dây chuyền không được kiểm soát và diễn ra rất nhanh. Lượng năng lượng khổng lồ được tạo ra trong khoảng thời gian rất ngắn và đấy chính là một vụ nổ hạt nhân. Trong lò phản ứng của NMĐHN không thể xảy ra nổ hạt nhân vì để xảy ra nổ hạt nhân cần có uran-235 được làm giàu ở mức cao (hơn 80%), loại bỏ các thanh hấp thụ neutron và nén khối uran trong một thể tích rất nhỏ. Nhiên liệu trong các lò phản ứng hiện đại có mức độ làm giàu thấp (3-5%), trong vùng hoạt động của lò luôn có các thanh điều khiển chứa chất hấp thụ neutron, ví dụ nguyên tố Bo. Còn nhiên liệu hạt nhân ở trong lò phản ứng không bị nén để có thể gây nổ vì nó được phân bổ trong số lượng lớn các ống kim loại có thành mỏng.
Vụ nổ tại NMĐHN Chernobyl (Ukraine, năm 1986) về nguyên tắc không phải là vụ nổ hạt nhân vì lò phản ứng bị nổ do áp suất hơi nước phía trong tăng lên đột ngột. Trong khi đó, vụ nổ tại NMĐHN Fukushima (Nhật Bản, năm 2011), là do hỗn hợp hidro và không khí phát nổ. Tất nhiên, về công suất, những vụ nổ nêu trên hoàn toàn không thể so sánh được với vụ nổ bom hạt nhân.