Mô hình trường học mới góp phần đổi mới giáo dục

Giáo dục - Ngày đăng : 06:28, 06/08/2015

(HNM) - Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã áp dụng nhiều giải pháp như đổi mới kiểm tra, đánh giá; rà soát, điều chỉnh nội dung, chương trình và sách giáo khoa…

Việc áp dụng mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) trong ba năm qua được coi là một giải pháp đem lại hiệu quả khá toàn diện tại các nhà trường. Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển tại hội nghị sơ kết quá trình thí điểm VNEN, đây là mô hình góp phần tích cực vào hành trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam.

Việc áp dụng mô hình trường học mới được coi là giải pháp, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Ảnh: Hải Anh



Khắc phục nhiều bất cập

Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT, tính đến tháng 7-2015, có 3.700 trường tiểu học đăng ký tham gia mô hình trường học mới Việt Nam từ năm học 2015-2016. Trong đó, một nửa số này đã triển khai từ năm học trước, số còn lại bắt đầu triển khai năm đầu tiên. Ở cấp THCS, dù mới bắt đầu thí điểm từ năm học trước tại 48 trường, song năm nay, số liệu sơ bộ cho thấy đã có 1.600 trường đăng ký. Nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, đã chỉ đạo triển khai mô hình VNEN đến tất cả các trường tiểu học trên địa bàn từ năm học 2015-2016.

Không phải ngẫu nhiên mà mô hình VNEN được nhân rộng với tốc độ khá nhanh tại các địa phương. Đáp án chung của những trường đã tham gia thí điểm mô hình này cho thấy, quá trình triển khai VNEN đã giúp khắc phục được nhiều bất cập còn tồn tại ở các nhà trường trong việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục theo yêu cầu mới. Bộ GD-ĐT đã xác nhận: Một trong những nguyên nhân khiến chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội là do chúng ta chưa hoàn thành mục tiêu giáo dục. Các nhà trường mới chỉ coi nặng việc truyền thụ kiến thức chứ chưa quan tâm đến dạy học sinh (HS) những kỹ năng, năng lực cơ bản. Cũng vì mục tiêu truyền đạt nhiều kiến thức cho HS nên phương pháp dạy học còn mang tính một chiều, nhiều khi là đọc chép. Phương pháp kiểm tra đánh giá còn nặng về đánh giá HS học được gì, chưa coi trọng xem HS làm được gì.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định: Mô hình trường học mới áp dụng tại Việt Nam góp phần tạo ra một cách làm, một cơ chế để giải quyết những bất cập hiện nay. Ví dụ, về mục tiêu dạy học, VNEN bảo đảm cho HS được rèn luyện một cách toàn diện, không chỉ học kiến thức mà cả kỹ năng sống và các năng lực cần thiết để có thể thích ứng, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Nội dung dạy học, vì thế, cũng được thiết kế theo quy trình bảo đảm cho HS có khả năng tự học, tự nghiên cứu để ứng dụng thực tiễn là chính. Một điểm khác biệt nữa khi triển khai VNEN là các HS có năng lực khác nhau được chấp nhận tiến độ hoàn thành bài học với các yêu cầu ở mức độ khác nhau. Những em hoàn thành trước có thể chuyển sang bài tiếp theo hoặc được giao thêm nhiệm vụ để có thể phát huy năng lực cá nhân cao hơn; những trường hợp gặp khó khăn thì được giãn thời gian học tập phù hợp, không bị áp lực hay căng thẳng về mức độ yêu cầu hay tiến độ. Đây là đặc điểm thể hiện tính nhân văn của mô hình này: Tạo điều kiện để chúng ta đạt được mục tiêu dạy học cao nhất song vẫn phù hợp với từng HS, không khiến bất kỳ một HS nào cảm thấy khó khăn trong học tập, rèn luyện.

Tạo nền tảng cho đổi mới giáo dục

Nghị quyết 29-NQ/TƯ xác định quan điểm và mục tiêu giáo dục giai đoạn mới nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là: "Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn". Quá trình triển khai VNEN trong ba năm qua ở các nhà trường đã đem đến những hiệu ứng tích cực, tiệm cận dần với mục tiêu của Nghị quyết.

Có dịp thăm lớp, dự giờ ở một vài trường học tại Hà Nội mới thấy rõ những thay đổi trong từng hoạt động cụ thể của thầy, của trò. Những thay đổi này xuất phát trước hết từ sự điều chỉnh thiết kế nội dung bài học. Mỗi bài học được thiết kế theo một vấn đề, chia làm ba bước: Bước đầu tiên là HS tự học để nắm được kiến thức; bước thứ hai là HS vận dụng những kiến thức được học để giải quyết nhiệm vụ trực tiếp; bước thứ ba là ứng dụng những kiến thức đó vào điều kiện thực tế của nhà trường, gia đình và cộng đồng. Việc thiết kế và triển khai những nội dung dạy học theo cách thức như vậy đã làm thay đổi việc tiếp cận kiến thức của HS và phương pháp giảng dạy của giáo viên. HS ngồi học theo nhóm, chủ yếu là tự học, tự nghiên cứu, khi cần thiết có thể trao đổi trong nhóm chứ không chỉ ngồi nghe giáo viên giảng bài từ đầu đến cuối giờ học. Trong quá trình HS học theo nhóm, giáo viên quan sát, hướng dẫn từng nhóm, từng em hoàn thành từng bước yêu cầu bài học và kịp thời hỗ trợ những em gặp khó khăn.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định: Những thử nghiệm mang tính đổi mới này bước đầu đã thể hiện được hiệu ứng tích cực tại các nhà trường và đang dần lan tỏa, khẳng định sự phù hợp của VNEN trước yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Trong quá trình triển khai VNEN, chúng ta vừa rút kinh nghiệm, vừa hoàn thiện dần mô hình này và đó là những gợi ý, căn cứ bước đầu để triển khai đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế nhằm đạt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam.

Thống Nhất