Kế hoạch đầy tham vọng

Thế giới - Ngày đăng : 06:13, 06/08/2015

(HNM) - Nhằm hiện thực hóa những cam kết của mình về bảo vệ môi trường, Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa công bố kế hoạch chống biến đổi khí hậu (BĐKH) mới, với mục tiêu đặt ra hạn ngạch khí thải carbon đầy tham vọng cho các nhà máy điện của Mỹ.

Các nhà máy nhiệt điện ở Mỹ là nguồn phát thải khí carbon nhiều nhất.



Khẳng định rằng, BĐKH đang đe dọa nền kinh tế cũng như sự thịnh vượng và an ninh của nước Mỹ, ông chủ Nhà Trắng cho rằng thời gian rất cấp bách và BĐKH không còn là vấn đề của thế hệ sau. Theo Tổng thống B.Obama, các nhà máy điện là nguồn chính phát thải khí carbon, tác nhân chính gây ra BĐKH. Thế nhưng, cho đến nay chưa có quy định ở cấp liên bang về giới hạn lượng khí thải ra môi trường. Vì thế, bản kế hoạch mới có ý nghĩa quan trọng đối với nước Mỹ trong cuộc chiến chống BĐKH. Và quan trọng hơn, chương trình này sẽ giúp giảm giá hóa đơn điện của người dân Mỹ trong tương lai, đồng thời tạo ra việc làm trong ngành năng lượng tái tạo và bảo đảm các dịch vụ năng lượng đáng tin cậy hơn.

Trên tinh thần đó, văn kiện vừa được công bố tại Nhà Trắng bao gồm các điều luật và quy định về vấn đề gây ô nhiễm của các nhà máy điện của Mỹ, lần đầu tiên đã đặt ra các giới hạn về lượng khí thải carbon của các nhà máy. Theo đó, đến năm 2030 các nhà máy phải giảm 32% lượng khí thải CO2 so với mức năm 2005. Các bang của Mỹ sẽ phải nộp những bản kế hoạch riêng nhằm hoàn thành mục tiêu cắt giảm khí thải lên Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) trước tháng 9-2016, nếu không sẽ phải thực hiện theo kế hoạch của EPA. Văn kiện mới cũng lùi thời gian bắt đầu thực thi kế hoạch cắt giảm sang năm 2022, sau khi nhiều bang cho rằng thời điểm năm 2020 là quá sớm. Bên cạnh yêu cầu cắt giảm mạnh mẽ khí thải đối với các nhà máy điện, kế hoạch mới của Nhà Trắng cũng khuyến khích chuyển sang sản xuất điện bằng năng lượng có thể tái tạo, với mục tiêu tăng lượng điện sản xuất bằng năng lượng sạch lên 28% tổng lượng điện của Mỹ từ mức dưới 10% hiện nay. Thực tế cho thấy, các nhà máy điện "đóng góp" khoảng 40% lượng khí thải CO2 của Mỹ và hiện vẫn có tới hàng trăm nhà máy nhiệt điện sử dụng than và các nhà máy này cung cấp tới 37% lượng điện của Mỹ.

Hướng đến Hội nghị Thượng đỉnh về chống BĐKH toàn cầu (COP 21) sẽ diễn ra vào tháng 12 tới tại Paris (Pháp), nhiều quốc gia đã, đang lập kế hoạch và gửi báo cáo về mức cắt giảm khí nhà kính. Mục tiêu của COP 21 là hoàn thành một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý, đồng thời thảo luận các biện pháp để hạn chế mức tăng nhiệt của toàn cầu. Mới đây, Chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra con số cắt giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030 xuống còn 26%. Trong bối cảnh đó, kế hoạch mới của Tổng thống B.Obama đã nhận được sự hưởng ứng từ phía Liên minh Châu Âu (EU) khi cựu lục địa coi đây là bước tiến tích cực nhằm cắt giảm lượng khí thải. Theo Ủy viên Châu Âu phụ trách lĩnh vực năng lượng và khí hậu Miguel Arias Canete, “Kế hoạch năng lượng sạch” của Mỹ sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho hội nghị sắp tới, đồng thời chứng minh bằng hành động cho những cam kết quốc tế của Mỹ.

Cùng với thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, từng bước bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba, thông qua Luật Bảo hiểm y tế Obamacare cùng chính sách ngoại giao hướng đến Châu Á..., Tổng thống B.Obama dường như mong muốn cuộc chiến chống BĐKH là một trọng tâm trong di sản chính sách của ông sau hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, sự kiện này cũng không được chào đón nồng nhiệt tại chính nước Mỹ. Việc Tổng thống B.Obama ban hành "Kế hoạch năng lượng sạch" theo lệnh hành pháp, bỏ qua ý kiến của Quốc hội - nơi các nhà lập pháp đảng Cộng hòa cho rằng: Những biện pháp này là "quá tầm" và "độc đoán", tăng chi phí cho nền kinh tế... cho thấy những bất đồng muôn thuở trong nội bộ chính trường Mỹ. Không ít dự báo rằng, kế hoạch đầy tham vọng này sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các bang và ngành công nghiệp than của Mỹ, do than vẫn là ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế số 1 thế giới. Hiện nay, khoảng 20 đến 30 bang của Mỹ đã sẵn sàng bắt tay với các doanh nghiệp ngành năng lượng để khởi kiện kế hoạch này. Không ít ý kiến quan ngại rằng, vấn đề BĐKH sẽ trở thành đề tài "nóng" trong chính giới Mỹ khi cuộc tổng tuyển cử vào năm 2016 đang đến gần.

Đình Hiệp