Tại sao Puerto Rico vỡ nợ?
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 10:39, 05/08/2015
Kể từ khi Đại Suy thoái chấm dứt, tình hình việc làm được phục hồi tại phần lớn các khu vực của Mỹ, các công ty tăng cường tuyển dụng thêm lao động. Thế nhưng tại Puerto Rico thì không. Lượng việc làm tiếp tục suy giảm cùng với sự đi xuống của nền kinh tế.
Từ mức đỉnh 3,8 triệu người vào năm 2004, dân số Puerto Rico đã giảm xuống chỉ còn 3,5 triệu người vào năm ngoái, tương đương mức giảm khoảng 8%.
Kinh tế Puerto Rico bắt đầu tụt dốc từ trước Đại Suy thoái, một phần là do thất thu nguồn thuế của các công ty đặt trụ sở sản xuất trên hòn đảo này. Tính tới tháng 6 năm nay, suy giảm kinh tế khiến tỷ lệ thất nghiệp đứng ở mức cao 12,6% - cao hơn gấp đôi so với mức trung bình 5,3% của toàn nước Mỹ.
Tính từ thời điểm kết thúc suy thoái ở Mỹ, lượng việc làm tại vùng lãnh thổ thuộc Mỹ này đã giảm 8%. Không tìm được việc làm, nhiều người dân hòn đảo Puerto Rico, trong đó phần lớn là thanh niên đã chuyển tới đại lục, nơi có thị trường lao động rộng lớn hơn để có thêm cơ hội.
Thanh niên ồ ạt di cư tìm việc làm đã khiến dân số còn lại tại Puerto Rico trở nên già cỗi, làm gia tăng gánh nặng lên các Quỹ phúc lợi xã hội của chính phủ. Nền kinh tế cũng mất đi lực lượng lao động năng động. Trong tháng 6, chỉ 40% dân số Puerto Rico được tính là thuộc lực lượng lao động, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của toàn nước Mỹ là 62,6%.
Người tìm việc làm tại Puerto Rico. |
Theo báo cáo năm ngoái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed, chi nhánh New York, những người được cho là không thuộc lực lượng lao động của Puerto Rico vẫn tham gia vào các loại hình lao động “không chính thức”. Nhiều người lao động và doanh nghiệp đã sử dụng hình thức thuê mướn lao động này để trốn thuế, khiến nền kinh tế thất thu khoảng ¼ GDP.
Trong bối cảnh thị trường việc làm liên tục thu hẹp, nguồn thu thuế tiêu thụ và thuế thu nhập giảm sút, nền kinh tế đi xuống, Chính phủ Puerto Rico đã phải bù đắp nguồn ngân sách bằng cách vay tiền từ bên ngoài, khiến gánh nặng nợ không ngừng tăng lên.
Theo số liệu từ Fed New York, tỷ lệ nợ công trên GDP của Puerto Rico đã tăng từ mức 60% năm 2000 lên mức 100% vào năm 2013.
Gánh nặng nợ công lớn đã khiến Puerto Rico liên tục bị tụt bậc xếp hạng tín dụng, đẩy chi phí đi vay tăng cao hơn nữa. Nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách bằng cách tăng thuế và cắt giảm biên chế trong lĩnh vực công lại cản trở tăng trưởng kinh tế. Kết quả là, nền kinh tế lâm vào một vòng luẩn quẩn và mất khả năng thanh toán nợ.