Cước internet cáp quang: Cạnh tranh thiếu lành mạnh?

Kinh tế - Ngày đăng : 06:21, 04/08/2015

(HNM) - Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa diễn ra trung tuần tháng 7, lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) VNPT và FPT Telecom đã kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp để chống bán phá giá dịch vụ internet cáp quang…


Cụ thể, theo Chủ tịch HĐQT Công ty Viễn thông FPT Chu Thanh Hà, năm 2014 FPT Telecom đã đầu tư mạnh vào xây dựng hạ tầng cáp quang để chuyển đổi phần lớn khách hàng đang sử dụng dịch vụ internet cáp đồng sang dùng cáp quang, từ đó nâng chất lượng dịch vụ và thêm nhiều tiện ích cho khách hàng. Tuy nhiên, trong khi đầu tư vốn lớn để chuyển đổi sang công nghệ cáp quang thì giá cước lại giảm mạnh do các nhà cung cấp dịch vụ "đua" giảm giá…

Cùng quan điểm này, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết, từ năm 2013 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng dịch vụ băng rộng của VNPT gấp 20 lần về số lượng thuê bao, nhưng cước dịch vụ lại giảm mạnh. Nguyên nhân là do cạnh tranh giữa các nhà mạng khiến cước thuê bao băng rộng giảm mạnh, chỉ còn 300.000 đồng/thuê bao/tháng, có gói cước chỉ 150.000 đồng/thuê bao/tháng. Trong 6 tháng đầu năm 2015, dịch vụ băng rộng của VNPT tăng trưởng doanh thu chỉ đạt 46% kế hoạch đề ra… Do vậy, lãnh đạo Tập đoàn VNPT và FPT Telecom kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có chính sách chống nguy cơ bán phá giá để tránh xảy ra cuộc chiến giảm cước cáp quang, gây mất ổn định cho thị trường.

Khách hàng tới đóng cước dịch vụ tại VNPT. Ảnh: Hải Anh


Vấn đề các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) thực hiện cuộc đua cạnh tranh giảm giá cước cáp quang đã được đặt ra. Nhiều ý kiến cho rằng việc cạnh tranh giảm giá với dịch vụ cáp quang trong khi chi cho đầu tư hạ tầng tốn kém sẽ khiến các DN bị thiệt hại. Hơn nữa để thu hút thuê bao, việc các ISP thực hiện "cuộc đua" giảm giá kèm các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, khiến khách hàng liên tục rời mạng chuyển sang nhà mạng khác không chỉ gây sự lãng phí về đầu tư mà cuối cùng thiệt hại lại về chính DN. Đồng thời, với dịch vụ cáp quang có thực tế suất đầu tư lớn, nhưng giá thành liên tục giảm đặt ra vấn đề chất lượng dịch vụ (đường truyền + băng thông) có bảo đảm như cam kết của các nhà cung cấp…

Theo tính toán của một ISP lớn trên địa bàn Hà Nội, suất đầu tư với một thuê bao cáp quang khoảng 6,65 triệu đồng, gồm chi phí đầu tư mạng ngoại vi (chiếm tới 2/3) và chi phí các thiết bị phần cứng khác để kết nối vào tận nhà khách hàng. Ngoài ra, để vận hành được một thuê bao cần tới các chi phí khác liên quan như chăm sóc khách hàng, truyền thông, sửa chữa, cước kết nối… Ước tính, để duy trì cho thuê bao hoạt động, với vốn đầu tư bỏ ra, giá thành cước cáp quang hằng tháng phải đạt khoảng 320.000 đồng/tháng mới bảo đảm DN có lãi. Tuy nhiên, thực tế, ngoại trừ các thuê bao là các cơ quan, tổ chức, DN (trả cước dịch vụ hằng tháng từ 1 triệu đồng trở lên, tùy theo gói và nhu cầu sử dụng), thì cước dịch vụ này tại nhà khách hàng cá nhân hiện nay phổ biến ở mức trên, dưới 200.000 đồng/thuê bao/tháng.

Như vậy, với mức thu này thấp hơn nhiều so với giá thành tính toán, song theo đại diện của ISP lớn này thì họ không có cách nào khác là phải giảm giá, vì đối thủ kinh doanh không những giảm giá mà còn giảm rất thấp (có nhà cung cấp đưa ra gói cước cáp quang chỉ 135.000 đồng/tháng kết hợp đi trên đường truyền hình cáp). Để bảo đảm hoạt động, DN cung cấp dịch vụ internet phải trông vào sự bù lỗ từ các khách hàng lớn - thuê bao là các tổ chức, cơ quan, DN khác bù lại. Thêm vào đó, khi thiết kế gói cước cho khách hàng cá nhân, DN cũng đã có những ràng buộc, như khách hàng phải chọn nộp tiền cước trước ở nhiều mức 6 tháng, 12 tháng và 18 tháng… Ngoài ra, DN còn được sự "bù đắp" từ việc có thể khai thác các dịch vụ khác cung cấp cho khách hàng trên cùng một đường cáp quang, như các dịch vụ truyền hình IPTV, điện thoại cố định…

Như vậy, có thể thấy, ở một góc độ nào đó, việc giảm cước dịch vụ có thể đem lại lợi ích cho khách hàng. Song, với internet (khác với dịch vụ di động gồm thoại, tin nhắn) cước phí còn liên quan tới tốc độ băng thông, nhất là vào những giờ truy cập cao điểm (giờ làm việc) nếu không bảo đảm có thể cản trở đến công việc của khách hàng. Hơn thế, chi phí đầu tư cho cáp quang hay nói cách khác là chi cho băng rộng cố định là lớn, trong khi nhà mạng đua giảm giá bán dưới giá thành sẽ kéo theo hệ lụy là DN thiệt hại và gây mất ổn định cho thị trường. Lãnh đạo FPT Telecom đề xuất, việc cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định về quản lý giá sàn là cần thiết để bảo đảm cho các nhà cung cấp dịch vụ có thể cạnh tranh lành mạnh hơn, tránh tình trạng giảm giá cước bừa bãi để cạnh tranh. Việc quản lý giá sàn sẽ giúp DN yên tâm đầu tư và bảo đảm được hiệu quả đầu tư cho DN, tránh lãng phí cho xã hội.

Việt Nga