Chủ động phòng chống dịch bệnh mùa mưa, lũ

Xã hội - Ngày đăng : 14:33, 03/08/2015

(HNMO) – Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong, sau lũ lụt như: Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng…


Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh do nguồn nước bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh không đảm bảo tại các khu vực bị lũ lụt, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, các cơ sở y tế tại các tỉnh, thành phố trong cả nước cần đảm bảo trang thiết bị, thuốc men, hóa chất khử trùng nước cho các địa phương, đặc biệt là chủ động giám sát, phát hiện sớm bệnh dịch để kịp thời huy động, bố trí lực lượng như đội cơ động phòng chống dịch xử lý kịp thời tại các vùng xảy ra ngập úng, lũ quét; cung cấp hóa chất và hướng dẫn cho từng hộ gia đình ở những vùng trọng điểm để xử lý môi trường và nguồn nước.

Công tác vệ sinh môi trường, chủ động xử lý làm sạch nguồn nước sinh hoạt cần được phổ biến và tuyên truyền rộng khắp đến từng hộ gia đình để mọi người nắm được và nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của các cơ quan y tế các cấp.

Người dân cần chủ động thực hiện khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong, sau lũ lụt như:

Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất như Cloramin B hoặc viên Aquatabs hoặc những hóa chất khác được Bộ Y tế khuyến cáo để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.

Hầu hết các tuyến đường tại TP Hạ Long chìm trong biển nước. (Ảnh: VTC)


Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn…

Các cơ sở y tế bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết để cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân kịp thời.

Sở dĩ Cục Y tế dự phòng  khuyến cáo như vậy vì nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa nên thường xảy ra những đợt mưa lớn hoặc kèm theo bão gây lũ lụt trên diện rộng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân.

Đặc biệt tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc hoặc duyên hải nam trung bộ, do đặc điểm địa hình dốc nên khi mưa nhiều dễ gây ra hiện tượng lũ ống, sạt lở và gây ngập úng rất nhanh nên khó khăn trong việc chủ đồng đề phòng.

Trong và sau mưa, lũ, lụt, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật. Tại nhiều nơi bị cô lập trong khi bị lũ lụt, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, thiếu nước sạch, trong khi đó mầm bệnh từ các vùng nước ngập đọng, từ xác xúc vật chết bị thối rữa tiếp tục lây lan nên có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân.

Thực tế đã chứng minh rằng ở các vùng, miền sau mưa, lũ, lụt, bệnh về đường tiêu hóa thường tăng lên một cách đáng kể và có nguy cơ bùng phát các dịch bệnh đường tiêu hóa, bệnh đau mắt đỏ, bệnh nước ăn chân, … có thể tạo thành dịch nguy hiểm.

Trong những ngày qua, một số khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có mưa lớn, tại Cô Tô, Cửa Ông đã xảy ra mưa đặc biệt lớn với tổng lượng mưa gần 800 mm gây ngập lụt cục bộ tại các thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí và các thị trấn: Đông Triều, Vân Đồn, Hoành Bồ. Mưa lũ đã làm nhiều người thiệt mạng và mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị ảnh hưởng do ngập lụt, một số tuyến đường giao thông bị ngập sâu, sạt lở chia cắt, khu dân cư bị cô lập, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ gia đình, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, bùng phát dịch bệnh là rất lớn.

T.Hương