Đàm phán TPP: Chưa thể dung hòa lợi ích
Thế giới - Ngày đăng : 06:17, 03/08/2015
Các nhà đàm phán TPP đã rời Hawaii mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng. |
Việc các nhà đàm phán TPP không đạt được thỏa thuận cuối cùng sau 4 ngày làm việc liên tục là điều được dự báo. Bởi lẽ, xung quanh tiến trình mở cửa thị trường ô tô, nông sản và bảo hộ dược phẩm vẫn còn nhiều khác biệt. Nhật Bản muốn Mỹ nhanh chóng dỡ bỏ các loại thuế đánh vào linh kiện ô tô nước này xuất khẩu sang Mỹ, trong khi cường quốc số một thế giới muốn làm rõ nguồn gốc của các linh kiện có phải từ một khu vực thương mại tự do hay không. Trong khi đó, New Zealand tuyên bố không ủng hộ nếu thỏa thuận không mở cửa mạnh mẽ các thị trường bơ sữa...
Các bộ trưởng cũng chưa đồng thuận về thời hạn bảo mật dữ liệu để phát triển dược phẩm sinh học. Đây là một trong những bất đồng lớn nhất về quyền sở hữu trí tuệ của vòng đàm phán TPP cuối cùng. Mỹ mong muốn thời hạn bảo mật thông tin dược phẩm là 12 năm, Australia lại yêu cầu 5 năm. Để dung hòa, các bên tham gia đàm phán đưa ra đề xuất là 7 hoặc 8 năm, nhưng cuối cùng thì vẫn... "đường ai nấy đi". Một số nguồn tin cho rằng, gần như Mỹ đơn độc ở một phía, còn các quốc gia khác ở về phía kia. Cả hai phía đều xem đây là vấn đề then chốt nhưng vẫn không đạt được thỏa thuận chung.
Phát biểu tại họp báo kết thúc đàm phán, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman cho rằng, các bộ trưởng thương mại TPP đã đạt được tiến triển đáng kể trong quá trình đàm phán, nhưng chưa thể đạt được thỏa thuận cuối cùng vì những bế tắc liên quan tới các nền kinh tế lớn như: Mỹ, Canada, Nhật Bản... Với Mỹ, sự bế tắc sẽ khiến cơ hội TPP được Quốc hội Mỹ thông qua trong năm nay trở nên mong manh. Vì thế, việc các nhà đàm phán chưa thể hoàn tất TPP có thể xem là một thất bại đối với Tổng thống Barack Obama vì ông chủ Nhà Trắng coi TPP như một trụ cột kinh tế trong chính sách "xoay trục" sang Châu Á - Thái Bình Dương và là một cơ hội để Washington cân bằng với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Thất bại trong vòng đàm phán vừa kết thúc cũng đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ chỉ có thể phê chuẩn nó sớm nhất vào năm 2016, năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Theo đó các ứng viên đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ ủng hộ TPP, trong khi các ứng viên đảng Dân chủ vẫn còn chia rẽ. Ứng viên tranh cử tổng thống năm 2016, bà Hillary Rodham Clinton, đã tỏ ra thận trọng khi từ chối đưa ra quan điểm với TPP.
Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay có sự tham gia của 12 quốc gia, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các nước đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thỏa thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013. Nếu được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, thất bại của vòng đàm phán cuối cùng đủ cho thấy có rất nhiều khác biệt giữa các quốc gia tham gia TPP.
Các nhà đàm phán đã rời Hawaii, không có thỏa thuận cuối cùng nào được ký kết và sẽ nối lại đàm phán vào cuối tháng 8 này. Lạc quan về khả năng TPP sẽ sớm được ký kết, song để làm được điều đó, các quốc gia tham gia vào sự thịnh vượng chung của Thái Bình Dương trong tương lai cần thể hiện thiện chí trong việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại.