Bài cuối: Hợp tác tháo gỡ "nút thắt"
Bất động sản - Ngày đăng : 07:00, 01/08/2015
Theo lãnh đạo quận Hà Đông, việc giao đất dịch vụ trên địa bàn quận chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do các hộ đã giao dịch, chuyển nhượng trước thời điểm giao đất, mua bán hợp đồng viết tay theo kiểu bán "lúa non". Đến nay, sau khi UBND phường thông báo thu tiền thì người bán không mấy nhiệt tình vì đất đã bán. Còn người mua vì quyền lợi của mình sẵn sàng nộp tiền, nhưng khi họ làm thủ tục hợp đồng công chứng ủy quyền thì chủ cũ thường yêu cầu "bồi dưỡng" thêm. Đây là đòi hỏi vô lý. Chưa kể, một số hộ dân được giao đất dịch vụ đã có nhà ở trong khu dân cư nên cũng chưa thấy cần thiết phải làm các thủ tục để được cấp đất dịch vụ…
Ngoài ra, tình hình bất động sản trầm lắng, nhiều hộ có tâm lý chờ thị trường sôi động mới nộp tiền nhận đất dịch vụ để bán được giá hơn. Chủ tịch UBND phường Đồng Mai Lê Quang Thoan cho biết, hiện tại trên địa bàn phường có khoảng 50% đất dịch vụ đã mua bán, chuyển nhượng khi chưa có quyết định giao đất, còn lại là các hộ chưa có nhu cầu làm nhà, vì đất cha ông để lại trong khu dân cư còn nhiều. Chính vì thế mà hiện nay, công tác giao đất dịch vụ trên địa bàn phường chậm, mới giao được 274/4.405 trường hợp có nhu cầu. Phường Yên Nghĩa có tiến độ khá hơn phường Đồng Mai, nhưng cũng mới giao được 1.883/3.423 trường hợp có nhu cầu. Theo Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa Nguyễn Bá Phùng, ngoài những khó khăn như phường Đồng Mai, Yên Nghĩa vẫn còn khoảng 90 hộ chưa hợp tác làm hồ sơ đất dịch vụ tại khu Do Lộ. UBND phường đang tích cực vận động để các hộ dân hiểu rõ chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước, chia sẻ với chính quyền cơ sở, sớm hợp tác làm các thủ tục nhận đất dịch vụ theo quy định. Phường Dương Nội cũng gặp khó khăn trong giao đất dịch vụ, đặc biệt còn 122 trường hợp không lập hồ sơ nhận đất dịch vụ. Đến nay, phường Dương Nội mới giao đất 1.875 trường hợp, vẫn còn khoảng 2.683 hộ chưa nộp tiền hạ tầng… Trong khi đó, Nhà nước không có chế tài xử lý những trường hợp chậm nộp tiền, khi hộ dân không nộp nghĩa vụ tài chính thì Nhà nước cũng không thu hồi đất dịch vụ. Những lý do này khiến cho tiến độ cấp đất dịch vụ ở Hà Đông bị chậm.
Với số vốn ngân sách ứng ra làm hạ tầng các khu đất dịch vụ hàng trăm tỷ đồng, nhưng chưa thu được tiền tạm tính suất đầu tư hạ tầng từ các hộ dân như kể trên, khiến cho quận Hà Đông đang rất khó khăn về vốn để tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ tiếp theo. Vì vậy, quận tăng cường tuyên truyền để các hộ dân đồng thuận, chia sẻ với chính quyền, thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền hạ tầng, hoàn thiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lúc đó mới giao dịch hoặc chuyển nhượng vì giá trị đất sẽ tăng cao.
Cần sự hợp tác từ phía người dân
Theo UBND quận Hà Đông, hiện số tiền tạm thu suất đầu tư hạ tầng theo mức khống chế là giá đất kinh doanh sản xuất phi nông nghiệp tại thời điểm thu hồi đất (trung bình trên địa bàn khoảng trên 2 triệu đồng/m2). Sau này, khi quyết toán tổng thể đầu tư hạ tầng, suất đầu tư chính thức được thành phố xác định, nếu thấp hơn mức giá khống chế Nhà nước đã tạm thu thì phải trả lại cho người dân, nếu cao hơn thì phần chênh lệch do Nhà nước hoặc chủ dự án có thu hồi đất hỗ trợ cho địa phương, người dân không phải đóng góp thêm.
Hà Đông đang quyết liệt thực hiện quyết toán các dự án đất dịch vụ đã đầu tư xong hạ tầng làm cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính hoàn thành cho người dân để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quận cũng tập trung giải quyết đơn, thư, nhất là liên quan đến bồi thường GPMB và chính sách đất dịch vụ; lắng nghe, nắm bắt nguyện vọng của người dân, đối chiếu với các quy định hiện hành để xây dựng phương án, đề xuất các giải pháp báo cáo thành phố chỉ đạo tháo gỡ.
Qua tìm hiểu nguyện vọng của người dân một số hộ có khó khăn về tài chính muốn được Nhà nước cho nợ tiền đóng góp hạ tầng và được giao đất ngoài thực địa để ổn định cuộc sống, khi có điều kiện sẽ đóng tiền và nhận bìa đỏ; các hộ đã mua lại, muốn được chính quyền xác nhận cho việc mua bán từ trước và giao đất, cấp giấy cho người mua không phải quay lại chủ nhà cũ... Tuy nhiên, nguyện vọng này là không thể đáp ứng được vì không đúng với quy định của Luật Đất đai. Việc cấp đất dịch vụ phải cấp cho đúng đối tượng, nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân khi bị thu hồi, để sử dụng kinh doanh phi nông nghiệp, ổn định cuộc sống. Vì vậy, giải pháp tối ưu vẫn là tăng cường tuyên truyền các hộ dân hợp tác với chính quyền, thực hiện nghĩa vụ tài chính để được giao quyền sử dụng đất, lúc đó thực hiện các quyền lợi được dễ dàng, nhanh chóng.
Hiện, quận Hà Đông còn thiếu hơn 18ha quỹ đất dịch vụ trên địa bàn phường Phú Lương và Kiến Hưng, nhưng gặp khó khăn về ngân sách để thực hiện GPMB, đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Vừa qua, UBND quận đã có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường chấp thuận cho phép chuyển 5 khu đất dịch vụ trước đây đã lập quy hoạch (nhưng chưa đầu tư xây dựng), sau khi cân đối nhu cầu không sử dụng tại Phú Lương, Kiến Hưng, Dương Nội sang thực hiện đầu tư xây dựng dự án đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách. Số tiền thu được từ đấu giá của 5 dự án này cho phép quận sử dụng thực hiện GPMB, đầu tư hạ tầng khu đất dịch vụ còn thiếu.