Có thể mưa cực lớn tại Hà Nội và toàn miền Bắc đêm 31/7
Xã hội - Ngày đăng : 10:47, 31/07/2015
Mưa tăng lượng nước gấp đôi
Đợt mưa lịch sử này bắt đầu từ 22/7. Hai ngày 23 – 24/7, mưa chủ yếu ở Tây Bắc, trọng điểm là Sơn La với lượng mưa lớn nhất là 300mm.
Từ 26-28/7, mưa lớn xảy ra ở Đông Bắc, chủ yếu là Quảng Ninh với tổng lượng mưa cực lớn, Móng Cái là 899mm, Cô Tô 983mm, Bãi Cháy 710mm, nhiều nơi mưa vượt 1.000mm. Đây là lượng mưa kỷ lục 50 năm qua ở Quảng Ninh.
Dự báo từ 30/7-3/8, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to diện rộng, có nơi mưa rất to (phổ biến 100-300mm cả đợt, cục bộ có nơi lớn hơn 400mm).
Khu vực mưa lớn tập trung ở các tỉnh Đông Bắc trong các ngày 30-31/7, sau đó có khả năng mở rộng thêm ra các tỉnh vùng núi Việt Bắc và Tây Bắc từ 1/8. Trên vịnh Bắc Bộ tiếp tục có gió mạnh cấp 6-7, giật 8-9, sóng biển cao từ 2.0-3.0m, biển động mạnh.
Mưa bắt đầu mạnh lên từ đêm 31/7
Từ sáng 29/7, mưa đã dịch chuyển về phía đông gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn với lượng mưa rất lớn, khoảng 100mm chỉ trong buổi sáng. Đến đêm nay, lượng mưa ở khu vực này có thể đạt 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Từ đêm 31/7-4.8, hình thế gây mưa đi vào đất liền, dịch chuyển dần về phía tây, gây mưa vừa, mưa to ở khắp miền núi, trung du phía Bắc, đồng bằng Bắc bộ, thậm chí cả Bắc Trung bộ.
Tổng lượng mưa khoảng 200-300mm, có nơi tới 500-600 mm (lượng mưa đo được trong trận lụt lịch sử tại Hà Nội năm 2008 là 500-600mm). Các tỉnh có mưa rất to là Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang và vùng núi phía Bắc. Mưa xảy ra nhiều vào chiều và đêm, không liên tục mà có sự gián đoạn. Nguy cơ ngập lụt, lũ quét, trượt lở đất bao trùm Bắc bộ.
Nguy cơ sạt lở đất trên diện rộng
Trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình từ ngày 31/7 đến 4/8 sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 đến 7 mét, ở hạ lưu từ 2 đến 4 mét. Đặc biệt, trong đợt lũ này mực nước thượng lưu sông Thái Bình có khả năng lên mức báo động 2-3, sông Kỳ Cùng có khả năng lên lại mức báo động 2.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc (đặc biệt là: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang) và ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối, ngập lụt ở đô thị Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.
Người dân ở các khu vực có mưa to cần đề phòng và chuẩn bị sẵn tinh thần ứng phó với mưa lũ và sạt lở đất, đặc biệt vào ban đêm.