Phải bắt đầu từ sự điều tiết của cơ quan quản lý

Văn hóa - Ngày đăng : 07:08, 31/07/2015

(HNM) - Hội thảo

Cần có những chính sách hợp lý để phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Trà My



Trong bối cảnh tác động của cơ chế thị trường, của hội nhập kinh tế và văn hóa hiện nay, mỹ thuật phải là lĩnh vực song hành và phát triển cùng nhiều lĩnh vực sôi động khác, bởi nó hội tụ cả hai yếu tố kinh tế và văn hóa. Có một thực tế trên thế giới tranh, tượng có giá trị được coi là tài sản lớn ngang với bất động sản, xe ô tô, vàng, tiền, đá quý…, nhưng ở Việt Nam thì trái ngược hẳn.

Cục trưởng Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành cho rằng: Thị trường mỹ thuật Việt Nam có nhưng chưa hoạt động đúng nghĩa. Các buôn bán, trao đổi tác phẩm mỹ thuật ở ta bấy lâu chỉ thông qua vai trò của các nhà sưu tập, các gallery, hay nói đúng hơn là hoạt động tự do, tự phát, đơn lẻ, trôi theo dòng chảy của mỹ thuật quốc tế. Vai trò của Nhà nước, tổ chức xã hội hầu như vắng bóng. Các văn bản pháp luật còn thiếu chính sách khuyến khích phát triển mỹ thuật và thị trường mỹ thuật. Chúng ta có lực lượng hàng nghìn nghệ sĩ, tác phẩm có giá trị không ít, nhưng hầu hết đều do người nước ngoài định giá và mua. Thế nên không thể tránh được tình trạng "chảy máu" nghệ thuật.

TS Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ VH-TT&DL) cho rằng: "Muốn xây dựng thị trường mỹ thuật nội địa, giai đoạn đầu nhất thiết phải có sự điều tiết của Nhà nước thông qua các cơ chế chính sách". Nếu cơ quan quản lý không tham gia vào thị trường, thì ngay cả tiền thuế cũng bị thất thoát. Và đương nhiên sự thẩm định hay đăng ký bản quyền là hiếm hoi dẫn đến tình trạng bùng nổ tranh chép, tranh nhái như hiện nay. Bởi vậy, sự "ra tay" của các cơ quan quản lý với những yếu tố cơ bản của thị trường trong lĩnh vực mỹ thuật nên bắt đầu từ việc xây dựng Luật Mỹ thuật, trong đó quy định đầy đủ về bản quyền, thành lập hội đồng thẩm định, cơ quan thẩm định, cơ quan đấu giá, phiên đấu giá… Đi kèm với đó là chính sách đầu tư cho mỹ thuật của Nhà nước".

PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo cho rằng: "Nhà nước không nên bảo trợ nghệ thuật bằng ngân sách mà nên kích thích thị trường bằng việc ưu đãi về thuế và các thủ tục khác đối với hoạt động đầu tư, bảo trợ nghệ thuật của các doanh nghiệp lớn". Đặc biệt, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ phổ biến nghệ thuật trong đời sống, như đầu tư cho truyền thông, tổ chức nhiều hoạt động trưng bày… Một điều mà ai cũng rõ, với thị trường mỹ thuật nội địa, khách hàng đóng vai trò quan trọng nhất chính là người trong nước. Gần đây có không ít hội chợ nghệ thuật tổ chức hướng đến khách hàng trong nước, như: "Hội chợ nghệ thuật Hà Nội lần thứ nhất", "Tết art" đã thu hút khách mua lên tới hàng trăm người. Nhưng điều đáng suy nghĩ là những hoạt động nêu trên vẫn do các tổ chức tư nhân đứng ra thực hiện. Thiết nghĩ, nếu cơ quan nhà nước đứng ra, với uy tín nhất định, chắc chắn thị trường mỹ thuật sẽ khả quan hơn nữa...

Được biết, các ý kiến từ hội thảo này sẽ được tiếp thu để phục vụ cho đề tài nghiên cứu khoa học "Quản lý nhà nước về thị trường mỹ thuật trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế" do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm triển khai.

An Nhi