Cựu lục địa "điên đầu"
Thế giới - Ngày đăng : 06:59, 31/07/2015
Người di cư vẫn bất chấp nguy hiểm vượt biển đến Châu Âu hằng ngày. |
Mặc dù đã tăng cường lực lượng an ninh để ngăn chặn các cuộc vượt biên từ Pháp sang Anh qua đường hầm eo biển Manche, song hơn 2.000 người nhập cư từ Châu Phi và Trung Đông vẫn dựng lều trại tại Cảng Calais (tại Pháp) để chờ cơ hội đào tẩu sang xứ Sương mù. Số lượng người nhập cư bất ngờ tập trung tại eo biển Manche đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc vận hành giao thông do Công ty Eurotunnel tiến hành. Áp lực ngày càng lớn khi hằng đêm các nhân viên của Eurotunnel luôn phải đối mặt với những người nhập cư trốn vào đường hầm để bám theo những chuyến tàu từ Pháp sang Anh. Không ít vụ tai nạn đã xảy ra. Eurotunnel cho biết đã phải ngăn 37.000 người nhập cư lẻn vào đường hầm từ đầu năm nay. Công ty này đang yêu cầu London và Paris bồi thường 9,7 triệu euro vì bị người nhập cư làm "đảo lộn" kế hoạch khai thác hoạt động vận chuyển qua đường hầm.
Trong khi đó, tại Italia - cửa ngõ cho những người vượt biên bằng đường biển từ Trung Đông, Châu Phi vào Châu Âu - dòng người nhập cư bất hợp pháp vẫn không ngừng gia tăng. Tuần trước, lực lượng Tuần duyên và Hải quân Italia đã phải mở 8 chiến dịch nhằm giải cứu 2.000 người nhập cư. Đây chỉ là con số rất nhỏ so với hàng chục nghìn người di cư mà nước này đang phải gồng mình tiếp nhận.
Theo các nhà phân tích, làn sóng người dân ở những quốc gia nghèo khó, xung đột tại Lục địa đen rời bỏ quê hương đi tìm "miền đất hứa" bất chấp tính mạng có thể bị đe dọa đang khiến Châu Âu trở nên bất lực. Một số chính sách mới đã được áp dụng nhưng hiệu quả mang lại không được bao nhiêu. Trong khi đó, ngay trong nội bộ các nước Châu Âu đã xuất hiện chia rẽ về vấn đề này. Các nước Đông và Trung Âu nhất quyết cho rằng, nên áp dụng cơ chế tự nguyện thay vì cơ chế áp đặt "hạn ngạch" để chia sẻ số người nhập cư cho các thành viên Liên minh Châu Âu (EU). Những tiêu chuẩn về phân bổ người xin tỵ nạn cho các nước EU cũng là vấn đề đang gây tranh cãi tại Cựu lục địa.
Hiện tại vẫn là câu chuyện "mạnh ai nấy làm" và không quốc gia nào tỏ ra muốn chia sẻ gánh nặng người nhập cư. Thậm chí, một số biện pháp được cho là cực đoan đã xuất hiện ở các nước thành viên EU mà Hungary là một ví dụ điển hình. Khẳng định đất nước bị làn sóng di dân từ Châu Á và Trung Đông sử dụng như "con thuyền trung chuyển" để sang Đức và Áo, chính quyền Budapest đã đơn phương tạm ngưng thi hành thỏa thuận về quyền tỵ nạn. "Con thuyền đã đầy" - Chính phủ cánh hữu Hungary tuyên bố như vậy để biện minh cho quyết định đơn phương không áp dụng Hiệp ước Châu Âu về tỵ nạn mà Budapest là một thành viên. Mới đây, quốc gia có dân số khoảng 10 triệu người này còn tuyên bố sẽ dựng một hàng rào dây thép gai cao 4m, dài 175km trên toàn tuyến biên giới Hungary - Serbia để ngăn chặn làn sóng người tỵ nạn chủ yếu đến từ nước láng giềng phía Nam này. Ngoại trưởng Hungary Szijjártó Péter không ngần ngại tiết lộ kế hoạch dựng hàng rào ở bất cứ đoạn biên giới nào mà chính quyền cho là cần thiết để ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp. Nhằm thực hiện điều đó, một đạo luật mới cũng được Quốc hội Hungary khẩn cấp thông qua nhằm cho phép nhà nước trưng dụng những khoảng đất có chiều rộng 10m tính từ đường biên giới...
Chính sách bị coi là bài xích người tỵ nạn của chính quyền Hungary đã và đang gặp phải sự phản đối gay gắt từ EU và một số tổ chức. Tuy nhiên, "hàng rào" Hungary cho thấy sự bối rối của EU trước cuộc khủng hoảng người nhập cư. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, nếu không nhanh chóng tìm được biện pháp hữu hiệu, giữa lòng Châu Âu sẽ mọc thêm nhiều "bức màn sắt" như những gì Hungary đang thực hiện.