Lợi hưởng, khó... phủi tay!
Kinh tế - Ngày đăng : 06:44, 31/07/2015
DN không phải là "bảo mẫu" mà chỉ quản lý gián tiếp lái xe trong khi lái xe mới là đối tượng vi phạm. Thế nhưng, quan điểm này đã ngay lập tức bị chính Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh phản bác. Ông Thanh khẳng định, các văn bản pháp quy hiện hành đã quy định trách nhiệm của DN là phải quản lý lái xe trên đường. Nếu không quản được lái xe thì không nên làm vận tải nữa. Do đó, cần phải xử lý cả lái xe lẫn DN vận tải.
Thực tế hoạt động vận tải thời gian qua cho thấy, nhiều DN quá đặt nặng vấn đề lợi ích nên đã để xảy ra tình trạng "khoán trắng" cho lái xe khi lưu thông trên đường. Lái xe càng chở quá tải, càng nhồi nhét khách hoặc chạy quá tốc độ để sớm quay vòng xe chở thêm nhiều chuyến thì càng đem lại lợi ích cho DN. Tất nhiên, lái xe cũng có một phần lợi ích trong đó.
Nhưng khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông vì xe chạy quá tốc độ hoặc lái xe quá mệt mỏi do phải làm việc quá thời gian quy định thì DN tìm cách "phủi" trách nhiệm, đổ tại lái xe. Chính vì để siết lại hoạt động kinh doanh vận tải, Bộ GT-VT đã phải sửa đổi, bổ sung các quy định của luật nhằm ràng buộc trách nhiệm của DN. Các DN sau khi ký hợp đồng tuyển dụng phải kiểm soát được đội ngũ nhân viên lái xe tuân thủ pháp luật thông qua các điều khoản, quy định nội bộ nếu không muốn bị phạt. Chính bởi quy định xử phạt cả DN cùng với hệ thống thiết bị giám sát hành trình gắn trên các phương tiện vận tải (được ví như con "mắt thần" của cơ quan quản lý nhà nước) đã góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Như vậy, ý kiến của DN nói rằng xử phạt DN là không đúng người đúng tội chỉ là bao biện.