Người chăn nuôi vẫn bị "ăn" trên lưng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:18, 31/07/2015

(HNM) - Trong chăn nuôi, khâu tiêu thụ đóng vai trò lớn đối với lợi nhuận mang lại cho nông dân. Tuy nhiên, đặc thù lĩnh vực này ở nước ta là hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, manh mún dẫn tới chi phí giao dịch cao. Người nông dân chỉ được hưởng lợi nhuận (nếu có) một phần rất nhỏ...


Bất hợp lý chưa có lời giải

Theo Cục Chăn nuôi, hiện nay, hệ thống chăn nuôi quy mô nhỏ với nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm chiếm 70% tổng sản lượng cung ứng ra thị trường. Trong khi đó, mô hình chăn nuôi thương mại quy mô lớn bảo đảm chất lượng chỉ cung cấp khoảng 15% sản lượng. Các cơ sở giết mổ thường tồn tại ở 3 hình thức, giết mổ và bán thịt xẻ cho cả người bán buôn và bán lẻ chiếm 70%; giết mổ và chỉ bán thịt xẻ cho người bán buôn chiếm 24%; giết mổ và chỉ bán thịt xẻ cho người tiêu dùng chiếm 6%.

Rất nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm rải rác khắp cả nước song hầu hết là áp dụng biện pháp thủ công của tư nhân, cơ sở, trang thiết bị sơ sài, không bảo đảm vệ sinh thú y. Hoạt động giết mổ có sự khác biệt giữa các vùng miền và khu vực. Chẳng hạn, ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận, hoạt động này diễn ra một cách tự do, với sự tham gia thường xuyên của các thương lái, kể cả thương lái quy mô nhỏ (chỉ giết mổ 1-3 con lợn/ngày); ở miền Trung và miền Nam, chỉ các thương lái có khả năng mới có thể thuê các lò mổ để giết mổ cho họ, còn các thương lái có quy mô nhỏ thường tự giết mổ tại nhà.

Người chăn nuôi chịu nhiều rủi ro trong quá trình sản xuất nhưng luôn chịu thua thiệt.


Theo Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, nhìn chung chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm ở Việt Nam chủ yếu dựa vào người chăn nuôi nhỏ, không có nhiều doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm lớn. Do đó, người dân chỉ biết bán thịt cho thương lái dẫn tới giá bán tại chợ cao hơn nhiều so với giá bán tại trại.

Thực tế cho thấy, chỉ có một số ít hộ chăn nuôi bán trực tiếp được cho các lò giết mổ, còn đa số bán qua những người thu gom, sau đó bán lại cho các lò mổ, nên giá không cao. Ngoài ra, có đến 80% sản lượng tiêu thụ được mua bán tại các chợ cố định, không những gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho một bộ phận thương lái "sống khỏe". Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh cho biết, bất cập lớn nhất trong chuỗi cung ứng thịt hiện nay là việc bất bình đẳng về giá giữa các bên tham gia. Tính trung bình một kilôgam thịt lợn mông đang bán trên thị trường giá bán từ 100.000 đến 110.000 đồng, người nuôi chỉ được khoảng 10% lợi nhuận, còn lại là người giết mổ 30%, thương lái 60%. Đây là điều bất hợp lý nhưng vẫn chưa có cách giải quyết.

Nâng cao khả năng cạnh tranh cho hộ nuôi nhỏ

Các chuyên gia đều cho rằng, để giảm bớt sự chênh lệch lợi nhuận trong chuỗi cung ứng thực phẩm ra thị trường giữa người sản xuất và thương lái, thời gian tới Nhà nước cần có sự kiểm soát chặt chẽ về giá từ trang trại tới bàn ăn, bảo đảm các bên cùng có lợi. Đặc biệt, cần đầu tư nâng cấp hệ thống kinh doanh thịt tươi sống tại các chợ để cải thiện điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; đồng thời, tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ ban quản lý chợ, tiểu thương kinh doanh và một số đối tượng liên quan nhằm thay đổi hành vi, nhận thức trong việc kinh doanh thực phẩm an toàn.

Theo Cục Chăn nuôi, các khảo sát gần đây cho thấy, người tiêu dùng sẵn sàng trả với một mức giá chênh lệch khá cao để có thể tiêu dùng một sản phẩm an toàn thực sự. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ sở nào để phân biệt một sản phẩm an toàn với những sản phẩm thông thường. Để làm được việc này, Nhà nước ngoài việc hỗ trợ các hộ chăn nuôi sản xuất theo mô hình an toàn sinh học; quy hoạch giết mổ và đầu tư nâng cấp các chợ bán lẻ thì việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu có ý nghĩa quan trọng...

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho rằng, phải nâng cao khả năng cạnh tranh cho những hộ chăn nuôi thông qua việc thay đổi nhận thức về hợp tác, liên kết lại với nhau để bán được sản phẩm trực tiếp cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm với giá cao. Cũng cần có chính sách vay vốn ưu đãi cho các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp, cá nhân tham gia xây dựng và phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, để mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp được bền vững, phải có hợp đồng kinh tế quy định rõ ràng trách nhiệm của các bên, tránh tình trạng doanh nghiệp - nông dân "phớt" giao kèo mỗi khi thị trường biến động…

Ngọc Quỳnh