Xây dựng mục tiêu phù hợp với điều kiện thực tế
Chính trị - Ngày đăng : 06:11, 31/07/2015
Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trong Đảng
Mục tiêu của Báo cáo chính trị về "Tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh" là vấn đề tiên quyết xây dựng nên khối đoàn kết thống nhất giữa Đảng với chính quyền và nhân dân. Thiết nghĩ, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, làm trong sạch Đảng phải làm ngay từ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đối với những vụ việc sai phạm đã được làm rõ thì việc xử lý phải nghiêm minh, kịp thời, không để xảy ra tình trạng bao che, "chìm xuồng", gây bức xúc, mất niềm tin của nhân dân và cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, không để cho quần chúng, đảng viên vì dũng cảm đương đầu với "quan tham" mà phải rơi vào tình cảnh đấu tranh không được thì biết "tránh đâu"? Báo cáo chính trị nêu rõ "kiên quyết đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, nói không đi đôi với làm…" là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Ông Phùng Văn Điền, thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì:
Nâng cao chất lượng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
Chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 của thành phố về nước sạch với tỷ lệ 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó nước sạch đạt 50%; tỷ lệ hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch từ 95% đến 100% là điều đáng quan tâm. Nước sạch luôn là vấn đề cấp thiết của các hộ dân nông thôn, nhất là những hộ ở vùng bán sơn địa. Theo đánh giá của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội, đến nay trên địa bàn thành phố có 36,68% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch. Nhưng xét về góc độ vùng miền, các huyện gần khu vực nội thành, có khu đô thị như Thanh Trì, Thanh Oai, Hoài Đức, Đan Phượng, Sơn Tây… có tỷ lệ hộ nông dân sử dụng nước sạch cao, do có nhà máy nước sạch và trạm cấp nước tập trung.
Riêng địa bàn huyện Ba Vì, mặc dù có nhiều dự án nước sạch, nhưng đều trong tình trạng dở dang, có dự án đã quá hạn tới 3 năm chưa hoàn thiện vì thiếu vốn, người dân chủ yếu sử dụng nước giếng khơi, giếng khoan và sông, ngòi. Do đó, việc nâng cao tỷ lệ số hộ dân nông thôn ở Ba Vì được sử dụng nước sạch lên 50% là điều rất khó khăn. Tôi rất mong bên cạnh việc quan tâm đầu tư hoàn thiện các dự án nước sạch đang thực hiện dở dang, thành phố cũng cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tích cực huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn, nhằm sớm đạt mục tiêu đề ra.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, thôn Quảng Minh, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai:
Cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường học cho khu vực nông thôn
Những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng, phát triển nông thôn mới (NTM) rất quan trọng. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, có hơn 70% số xã đạt chuẩn NTM nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, từng bước đồng bộ, hiện đại cơ sở hạ tầng, gắn kết hợp lý giữa phát triển nông nghiệp với công nghiệp… nhưng đồng thời vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường sạch, đẹp. Vấn đề đáng quan tâm là kinh phí dành cho xây dựng NTM sẽ rất lớn, thậm chí còn là khó khăn cho nhiều địa phương.
Tôi rất đồng tình với quan điểm "Huy động mạnh mẽ các nguồn lực, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; ưu tiên cải tạo, nâng cấp, phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, bảo vệ môi trường…" như dự thảo báo cáo nêu. Tuy nhiên, ngoài ra, dự thảo cũng cần đặt ra vấn đề đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất trường học, thiết bị giáo dục và quan tâm tới đội ngũ cán bộ, giáo viên vùng nông thôn. Vì hiện nay, ở vùng nông thôn, việc bảo đảm cơ sở vật chất trường học để thu hút các cháu trong độ tuổi đến trường, nhưng không thể đáp ứng 100%, bởi vẫn còn lớp học nhờ, học tạm, điểm lẻ…