Bài cuối: “Gọn” nhưng phải “sạch”!
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:22, 30/07/2015
Theo kế hoạch, 2015 là năm cuối cùng để Ngân hàng Nhà nước hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu. Sau hơn ba năm thực hiện đề án, đến nay đã có hơn một chục ngân hàng "mất tăm" trên thị trường tiền tệ và hàng loạt ngân hàng đang đứng trước nguy cơ bị sáp nhập. Giới chuyên gia tài chính nhận định, quá trình tái cơ cấu thời gian qua đã đi đúng hướng, với những giải pháp quyết liệt đang được triển khai, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2015 là xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém. Ngoài ba ngân hàng TMCP đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng còn có thêm nhiều thương vụ sáp nhập giữa ngân hàng với công ty tài chính.
Đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc là giải pháp quan trọng nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Ảnh: Như Ý |
Có thể kể đến các thương vụ như Maritime Bank được chấp thuận nhận sáp nhập MDBank, sau khi đã hoàn tất mua lại 100% Công ty tài chính Dệt may. TechcomBank cũng đã hoàn tất mua đứt Công ty tài chính Hóa chất. SacomBank được chấp thuận nhận sáp nhập Southern Bank về mặt chủ trương, cả hai đang chuẩn bị tiến hành đại hội cổ đông bất thường để thông qua các thủ tục cần thiết. Hay như BIDV chỉ trong vòng 55 ngày nhận sáp nhập xong MHB. Chưa kể nhiều thương vụ "tin đồn" về sáp nhập cũng được thị trường nhắc đến trong 6 tháng đầu năm 2015, đó là giữa EximBank với Nam A Bank, giữa Dong A Bank với ABBank hay SaiGonBank về Vietcombank…
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - hàm Phó Tổng Giám đốc, cố vấn cấp cao Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam BIDV cho rằng: Trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng, "thay tên đổi chủ" là việc phải xảy ra. Đây không phải là tín hiệu xấu của nền kinh tế và trên thực tế, chủ trương tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước đang được thực hiện quyết liệt, đúng hướng, đúng tiến độ. Có khoảng 6 đến 8 ngân hàng nữa đang trong quá trình mua bán, sáp nhập (từ nay đến cuối năm). Quá trình đào thải của nền kinh tế diễn ra thường xuyên, liên tục sẽ hạn chế tình trạng "dồn toa" sai phạm trong quá khứ, làm cho hoạt động ngân hàng trở nên minh bạch hơn.
… đến xử lý nợ xấu…
Chủ trương tái cơ cấu "giải cứu" hệ thống ngân hàng đi liền với việc tích cực xử lý nợ xấu. Tính đến hết tháng 6-2015, Công ty Quản lý và khai thác tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua tổng cộng gần 144 nghìn tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, trong đó riêng năm 2015 đã duyệt mua hơn 28 nghìn tỷ đồng. VAMC cũng đã được "cởi trói" thông qua Nghị định 34/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5-4-2015 sửa đổi một số điều của Nghị định 53/NĐ-CP. Mục tiêu chính của Nghị định 34/NĐ-CP là tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc mua bán, xử lý nợ xấu và cụ thể là việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường. Theo đó, tháo gỡ đầu tiên là: Chỉ cần hội đủ điều kiện, nếu tài sản bảo đảm có khả năng phát mại cộng với giá trị khoản nợ được đánh giá có thể thu hồi đầy đủ là có thể được duyệt mua nợ.
Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay chính là tài sản bảo đảm "có vấn đề". Nguyên nhân dẫn đến việc không xử lý được tài sản bảo đảm xuất phát từ tình trạng: tài sản có tranh chấp về sở hữu, tài sản không được thế chấp, tài sản bị bán cho bên thứ ba, tài sản được thế chấp nhiều lần, tài sản bị lừa đảo... Có nhiều trường hợp, khi nợ quá hạn, ngân hàng tiến hành kiểm tra mới phát hiện tại địa chỉ nhà đất thế chấp không có nhà và cũng không có giấy tờ đất nào như trong hồ sơ vay vốn. Nguyên nhân là do cán bộ tín dụng đã không thẩm định tại chỗ, mà chỉ nhận hồ sơ giấy tờ về tài sản bảo đảm. Có trường hợp ngân hàng không công chứng hợp đồng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm dẫn đến khi có tranh chấp, khách hàng đề nghị tòa án tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu. Thậm chí, có ngân hàng khi cấp tín dụng đã nhận tài sản thế chấp là nhà đất và sau đó không rõ vì lý do gì đã giải chấp, dù chưa thu hồi nợ. Chưa kể, hàng loạt nhà đất được thế chấp trong ngân hàng nhưng thực chất là "sổ đỏ giả, phôi thật" trong các vụ án lừa đảo được phát hiện gần đây... Cũng có trường hợp "dở khóc, dở cười" như khi doanh nghiệp thế chấp nhà xưởng trong khu công nghiệp và không trả được nợ. Tài sản bảo đảm tuy có và ngân hàng toàn quyền xử lý, nhưng ngân hàng không làm gì được với tài sản này. Bởi lẽ, doanh nghiệp sở hữu nhà xưởng, nhưng đất là đi thuê. Ngân hàng bán nhà xưởng thì không ai mua, vì mua rồi biết "bê" đi đâu. Trong khi đó, ngân hàng bị khu công nghiệp yêu cầu lấy nhà xưởng về, trả đất để họ còn cho thuê tiếp. Đương nhiên, khoản cho vay coi như mất trắng. Những tình huống thực tế trên khiến ngân hàng không thể xử lý tài sản bảo đảm, mà nguyên nhân có thể là do lỗi chủ quan khi nhân viên ngân hàng bỏ sót quy trình, nghiệp vụ; cũng có thể là khách quan do thiên tai, bão lũ khiến tài sản bảo đảm bị mất, hao hụt giá trị; thậm chí có cả nguyên nhân từ "cạm bẫy" pháp lý.
Thêm một nguyên nhân nữa khiến tình trạng xử lý nợ xấu còn chậm, đó là thị trường mua bán nợ chưa thực sự hình thành. Nghị định 34/NĐ-CP chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể cho phép công ty mua nợ được phép mua bán nợ theo giá thị trường. Giải pháp khả thi nhất hiện nay để xử lý nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng là nhờ ngân hàng thương mại cổ phần lớn "gánh vác" các ngân hàng yếu, nợ xấu lớn. Nhưng về lâu dài, cần có những giải pháp thị trường hơn, chỉ khi nợ xấu có thể mua - bán dễ dàng, nợ xấu mới được xử lý nhanh chóng. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng cảnh báo: Xử lý nợ xấu tại Việt Nam thiếu cả nguồn lực lẫn cơ chế, hành lang pháp lý. Vì vậy, nếu không khẩn trương tháo gỡ, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng có thể sẽ bị kéo dài. Hiện nay hoạt động của VAMC chỉ là một trong những giải pháp tình thế, có người cho rằng VAMC chỉ như một bệnh viện, thu gom các bệnh nhân của đủ loại bệnh nguy hiểm vào cấp cứu; còn việc thăm khám, phân loại để có phác đồ điều trị phù hợp thì... vẫn là câu chuyện dài dài.
… và các giải pháp
Trong bối cảnh hiện nay, việc đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, hoàn thiện hành lang pháp lý, xử lý nợ xấu và sở hữu chéo để ổn định hệ thống, nâng cao năng lực cạnh tranh… được xem là những biện pháp quan trọng và đang được thực thi quyết liệt. Cụ thể là tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản pháp luật; không để các quy định thiếu chặt chẽ tạo ra lỗ hổng pháp lý cho những kẻ cơ hội, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia luồn lách, trục lợi gây thiệt hại nghiêm trọng như thời gian qua. Đây là nền tảng rất quan trọng, bảo đảm cho nền kinh tế và hệ thống Ngân hàng Việt Nam phát triển ổn định và hội nhập hiệu quả. Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 đã bổ sung một số điều nhằm tăng thẩm quyền cho các cổ đông, hạn chế quyền lực của những người đại diện theo pháp luật nhằm giám sát và ngăn chặn tình trạng "lộng quyền", độc tài của người có quyền quản lý, điều hành các ngân hàng CPTM (Điều 13 Luật Doanh nghiệp). Những quy định như vậy là vô cùng cần thiết, nhưng không thể dừng lại ở đó.
Vấn đề cốt lõi lựa chọn, sử dụng những lãnh đạo "đủ tâm, đủ tầm", lý lịch "sạch" để điều hành, quản lý ngân hàng. Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã có những thay đổi trong tiêu chuẩn lựa chọn lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng. Nếu trước đây các quy định không quá khắt khe thì nay người bổ nhiệm vào các chức vụ quản lý, điều hành ngân hàng phải có bằng cấp chuyên môn, đủ thâm niên công tác theo từng vị trí… Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đưa ra quan điểm: Lãnh đạo cấp cao của ngân hàng cần phải được đào tạo lại theo định kỳ. Mỗi ngân hàng phải có các khóa tập huấn cho Hội đồng quản trị, việc này ở Mỹ và các nước có hệ thống tài chính - ngân hàng phát triển, người ta làm thường xuyên nhưng chưa có ngân hàng nào tại Việt Nam làm được điều này. Đây là thiếu sót cần được bổ sung, chấn chỉnh. Càng là người nắm trọng trách càng phải học, một số "đại gia" ngân hàng "dính" vòng lao lý thời gian qua có không ít người thiếu chuyên môn về nghiệp vụ ngân hàng. Nhiều người kinh doanh bất động sản, chứng khoán, có tài sản thành lập ngân hàng là đứng ra điều hành, quản lý. Thêm nữa, họ không được bổ sung kiến thức định kỳ nên không khác gì cầm gậy dò dẫm đi trong đêm, đi nhanh chút là có thể vấp ngã. Việc nâng cao văn hóa quản trị rủi ro và năng lực giám sát ngân hàng cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại trong kinh doanh của ngân hàng. Vì vậy, trong quản trị rủi ro cần làm rõ sự phù hợp giữa mức độ rủi ro cho phép và khả năng tài chính của ngân hàng cũng như chiến lược chung... Để thực hiện có hiệu quả những nội dung này, mỗi ngân hàng phải nâng cao quản trị rủi ro nội bộ, thường xuyên kiểm tra sức chịu đựng của ngân hàng, giúp ngân hàng chủ động đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn; không chỉ thanh tra, phát hiện mà còn phải ngăn chặn, xử lý kịp thời, có chế tài đủ mạnh để sai phạm không thể tiếp diễn. Trường hợp của GPBank là một ví dụ về tình trạng không ngăn chặn, xử lý kịp thời, để sai phạm kéo dài (3 năm tính từ thời điểm bị phát hiện) dẫn đến những thiệt hại nặng nề cả về kinh tế lẫn nhân sự cấp cao và gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín cũng như hoạt động của cả hệ thống ngân hàng.