Đâu là giải pháp hữu hiệu?
Văn hóa - Ngày đăng : 06:47, 29/07/2015
Phát triển thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn sẽ góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Ảnh: Dương Quốc Bình |
- Thưa ông, thực tế cho thấy một số thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là ở cấp cơ sở, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vẫn chưa thực sự được khai thác hết công năng, thậm chí rơi vào tình trạng đầu tư rồi bỏ không. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
- Đã có những nguyên nhân được chỉ ra từ lâu nhưng không dễ khắc phục trong một sớm một chiều. Thứ nhất, phần lớn hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được xây dựng đã lâu, không theo quy hoạch và thiết kế thống nhất, không phù hợp sinh hoạt và thực tế nông thôn, miền núi nước ta. Thứ hai, kinh phí đầu tư cho hoạt động và trang thiết bị thiếu hoặc không có, dẫn đến tình trạng xuống cấp của các công trình, khiến việc khai thác gặp khó khăn, không phát huy hiệu quả. Thứ ba, nguồn thu cho hoạt động thường xuyên ở các nhà văn hóa, khu thể thao của các vùng nông thôn còn nhiều hạn chế. Thứ tư, đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao cơ sở ở cấp xã, phường, thôn, bản còn thiếu và yếu, chủ yếu sử dụng cán bộ kiêm nhiệm… Nói cách khác, nhiều nơi có đầy đủ thiết chế nhưng không phát huy được vì thiếu bộ máy, cơ chế lương thưởng, hỗ trợ hoạt động…
- Trong bối cảnh đó, rất cần ban hành cơ chế hỗ trợ để giúp cơ sở quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao, thưa ông?
- Đó là một trong những việc phải làm. Hiện tại, Bộ VH,TT&DL đã giao Cục Văn hóa Cơ sở chủ trì, phối hợp với các đơn vị hữu quan xây dựng Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao nông thôn". Trong quá trình xây dựng, rất nhiều ý kiến đề nghị ban hành cơ chế hỗ trợ trong công tác quản lý, từng bước chuyển đổi theo cơ chế tự chủ và vận dụng cơ chế tài chính linh hoạt, bao gồm cả việc vận dụng chính sách xã hội hóa trong toàn bộ hoạt động hoặc một phần hoạt động. Đã có những đề xuất cụ thể được đưa ra, ví như địa phương cần trình HĐND ban hành cơ chế hỗ trợ cho người quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao nông thôn theo mức: Chủ nhiệm Trung tâm VH-TT xã kiêm nhiệm hưởng hệ số 0,7 lương tối thiểu/tháng, Phó Chủ nhiệm hưởng 0,5 lương tối thiểu/tháng, Chủ nhiệm Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn kiêm nhiệm hưởng 0,3 lương tối thiểu/tháng (thực tế đã có một số địa phương vận dụng)… Đây không phải là việc ngày một ngày hai mà cần có lộ trình cho từng giai đoạn, có mục tiêu cụ thể đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 2164/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030.
- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về mục tiêu và quá trình, tiến độ xây dựng đề án nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn?
- Đề án đã qua giai đoạn tổ chức hội thảo, lấy ý kiến, đang được hoàn thiện để trình Bộ VH,TT&DL phê duyệt. Trong đó, bên cạnh việc củng cố cơ sở hạ tầng, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, củng cố bộ máy cũng rất được chú trọng…
- Tổng hợp quá trình thu thập ý kiến, đã có những giải pháp nào được nêu ra, thưa ông?
- Việc nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn đòi hỏi sự kết hợp các nhóm giải pháp về lãnh đạo, quản lý nhà nước, huy động nguồn lực… Bên cạnh đó, giải pháp về xã hội hóa cũng được đưa ra, nhằm khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng và tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn. Trước mắt, sẽ đẩy mạnh xã hội hóa việc xây dựng và quản lý các công trình thể thao cho tư nhân như các sân bóng đá, các nhà thi đấu, bể bơi…
- Như vậy, địa phương cần chủ động, cân đối hài hòa giữa ngân sách và nguồn thu từ công tác xã hội hóa, từ hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao…
- Bên cạnh nguồn thu từ công tác xã hội hóa như phân tích ở trên, địa phương cần chủ động cân đối ngân sách hằng năm và ngân sách TƯ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (trong đó, có kinh phí xây dựng cơ sở vật chất văn hóa nông thôn mới) để hỗ trợ các mục tiêu phát triển văn hóa nông thôn.
- Theo ông, cơ chế đầu tư như thế nào là phù hợp?
- Đối với Trung tâm VH-TT cấp xã, Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, trang bị phương tiện chuyên dùng, bảo đảm kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội cũng như kinh phí duy trì bộ máy và các hoạt động nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đối với Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, làng, ấp, bản, ngân sách địa phương hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động tùy theo khả năng. Cần nhất vẫn là sự vào cuộc của UBND các tỉnh, thành phố trong việc chỉ đạo Sở VH-TT&DL và các cơ quan chức năng của địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ này, đặc biệt là phải quan tâm dành quỹ đất để xây dựng Trung tâm VH-TT xã và nhà văn hóa, khu thể thao thôn, bản.
- Cảm ơn ông về nội dung trao đổi!