Bệnh của lưỡi

Xã hội - Ngày đăng : 15:04, 14/09/2004

Lưỡi có thể mắc một số bệnh thông thường do chế độ ăn uống không hợp lý. Đôi khi, lưỡi cũng xuất hiện dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm.

Lưỡi có thể mắc một số bệnh thông thường do chế độ ăn uống không hợp lý. Đôi khi, lưỡi cũng xuất hiện dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm.

Bệnh phổ biến của lưỡi


Aphtes là một bệnh lý phổ biến, có khoảng 20% dân số từng bị căn bệnh này hành. Bệnh thường gặp ở nữ giới và trẻ em ở độ tuổi cắp sách đến trường. Bệnh nhân bị lở miệng và lưỡi, vết loét hình tròn, kích thước bằng đầu đũa, gây đau và xót khi ăn uống, nhất là lúc ăn mặn hoặc đồ chua. Cũng có khi biểu hiện lâm sàng khởi đầu là một hay nhiều mụn nước, mầu vàng, khó thấy. Khoảng vài giờ sau, các mụn nước này vỡ ra, để lại vết loét nông, hình tròn, đường kính từ 3-12mm, bờ rất rõ, đáy mầu vàng giống như bơ tươi, chung quanh có một viền mầu đỏ. Mỗi đợt, bệnh nhân thấy xuất hiện 1-3 vết loét, cũng có thể nhiều hơn. Vết loét thường nằm ở niêm mạc má, miệng, bờ và mặt dưới lưỡi, lợi, sàn miệng, vòm khẩu cái, trụ amiđan.

 Trường hợp bệnh xuất hiện cả ở miệng và cơ quan sinh dục thì gọi là aphtes lưỡng cực. Theo các bác sĩ, nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh hiện nay vẫn chưa được y học xác định rõ. Một số yếu tố được coi là nguyên nhân gây bệnh như thiếu vitamin C, PP, B6, nhiễm vi khuẩn hay virus, dị ứng thuốc hay thức ăn, rối loạn nội tiết (khi có kinh, có thai, mãn kinh...). Di truyền và một số yếu tố tâm lý, miễn dịch cũng được nhắc đến. Bệnh thường xuất hiện khi bạn cắn vào lưỡi, răng hàm giả cọ xát vào lưỡi gây khó chịu. Để ngăn ngừa aphtes lưỡi, nên tránh các thức ăn kích thích như chua, cay, mặn và uống thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ khi bị đau, viêm cấp. Khi mắc những bệnh về lưỡi như aphtes có thể đến bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Có thể sẽ là ung thư hốc miệng

Ông N.V.L (Tiền Giang) có một vết loét ở lưỡi từ hơn 1 năm. Vết loét này cứ lớn dần, điều trị mãi không khỏi. Khi đến Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, chẩn đoán ung thư sàn miệng đã được xác định. Đây chính là hậu quả của việc suốt 14 năm qua, ông L. uống rượu liên tục và 43 nam ròng rã hút thuốc lá. 

Ung thư hốc miệng hiện đứng thứ 7 trong các loại ung thư. Đây là loại bệnh dễ phát hiện sớm nhưng do bệnh nhân chủ quan chỉ đi khám khi đã ở giai đoạn muộn. 

Theo bác sĩ Trần Thanh Phương, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, yếu tố nguy cơ gây ung thư hốc miệng ở người Việt thường là hút thuốc, uống rượu, ăn trầu....Việc uống rượu thường xuyên còn làm tăng nguy cơ ung thư hốc miệng lên gấp 6 lần người bình thường và vừa hút thuốc, vừa uống rượu, nguy cơ tăng lên gấp 15 lần. Vệ sinh răng miệng kém, thiếu hụt vitamin A kéo dài cũng được xem là yếu tố gây bệnh. Tiên lượng 50% bệnh nhân ung thư hốc miệng có thể sống 5 năm. 

Nếu có các yếu tố sau đây mà bạn tự phát hiện ra thì đừng ngần ngại đến ngay bác sĩ: thấy một số bất thường dùng miệng, vết loét không lành sau 10 ngày, vết trắng, đỏ, đen, vùng chảy máu không rõ nguyên nhân...

"Ổ gà" trên lưỡi

Nhiều người than phiền hay bị "ổ gà" trên lưỡi và trong miệng, nhiều khi có tới 4-5 lỗ loét sâu, ăn uống như bị tra tấn, rất khổ sở. Bệnh thường hay tái phát nhưng lành tính. Tuy nhiên, trong y học không có bệnh "ổ gà" lưỡi, đây chỉ là cách nói dân gian. Bệnh được gọi chính xác là bị nhiệt, một chứng thường gặp của niêm mạc. Khi ăn, đương nhiên bệnh nhân cảm thấy rất xót và đau. Tổn thương thường là những vết loét nông hoặc các mụn nước nhỏ, nằm rải rác hay tập trung thành từng đám nhỏ. Sau vài giờ vỡ ra thành các vết loét nông. 

Bệnh thường tự khỏi trong vòng 2-3 tuần mà không cần điều trị và sau đó tiếp tục tái phát. Tiến sĩ Nguyễn Thị Lai cho rằng, nhiều trường hợp nhiễm virus Herpes simplex hoặc bị giảm lượng sắt hoặc axit folic trong máu cũng thường hay bị nhiệt lưỡi.

Viêm lưỡi bản đồ

Có nhiều người lại gặp tình trạng viêm lưỡi. Trên lưỡi có những vết như hình bản đồ, viền mầu trắng, phía trong đỏ đậm hơn mầu lưỡi bình thường, dần dần loang rộng ra và vết khác xuất hiện. Nhiều người nghi ngờ bị nấm nhưng sử dụng thuốc trị nấm thì lại không khỏi. 

Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, đây chính là bệnh viêm lưỡi bản đồ, một dạng viêm lành tính. Bệnh bao giờ cũng bắt đầu bằng một chấm lõm nhỏ ở cạnh lưỡi hoặc ở đầu lưỡi, nhẵn và đỏ hơn phần lưỡi còn lại. Bệnh lan ra thành hình vòng cung, tròn hoặc dải xoắn, ngoằn ngoèo. Mỗi một đám đều có bờ nhỏ mầu trắng hơi vàng, làm cho bề mặt lưỡi trông giống như tấm bản đồ. Đặc biệt là hình dạng tổn thương thay đổi từng ngày. Vết này có thể tự mất đi nhưng rồi lại xuất hiện vết khác. Bệnh trải qua từng giai đoạn từ nhẹ đến nặng. Thương tổn cũng có khi cố định hẳn trong một thời gian dài.

Viêm lưỡi bản đồ luôn được phát hiện muộn vì không có triệu chứng báo trước nào cả. Bệnh nhân cảm thấy không đau, không rát, ăn uống hoàn toàn bình thường. Căn nguyên dẫn đến bệnh đến nay, y học vẫn chưa tìm ra. Tuy nhiên, đây là bệnh không đau, không rát nên cũng không cần điều trị.

Không được xuyên lưỡi

Hiện nay, rất nhiều cô gái trẻ đã đi xuyên lưỡi để xỏ vào đó vòng vàng, bạc và thậm chí đính kim cương. Tuy nhiên, với y học, điều này hoàn toàn không nên vì việc xuyên lưỡi có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm do bị nhiễm trùng, chảy máu, để lại sẹo, tổn hại đến dây thần kinh. Có nhiều cô gái trẻ bị sưng toàn bộ vùng lưỡi, bao trùm cả chiếc khuyên đeo qua nó và bắt buộc phải phẫu thuật để tháo bỏ món đồ trang sức ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe kia ra. Việc xuyên chọc trong khoang miệng cũng có nhiều nguy cơ nhiễm trùng, góp phần làm lây nhiễm các virus như HIV, viêm gan siêu vi B... Các nhà khoa học đã khuyên các cô gái không nên quá mạo hiểm thử sức làm đẹp kiểu này. Nếu đã xuyên thì cần giữ răng miệng thật vệ sinh, khử trùng khuyên đeo để tránh những biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng.

Lưỡi là một bộ phận có cấu tạo rất đặc biệt trong cơ thể con người. Hãy đến bác sĩ ngay khi bạn thấy nghi ngờ điều gì đó. 

Theo Thegioimoi

THANHNGA