Sau các thương vụ mua bán, sáp nhập: Hệ thống ngân hàng sẽ mạnh hơn

Tài chính - Ngày đăng : 07:08, 28/07/2015

(HNM) - Ba ngân hàng thương mại (NHTM) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua với giá 0 đồng, nhiều thương vụ sáp nhập đã diễn ra cho thấy, hệ thống ngân hàng đang trong quá trình thanh lọc mạnh.


Cùng với đó, các ngân hàng cũng ráo riết tăng vốn điều lệ để có thể ghi tên vào nhóm những ngân hàng lớn trong hệ thống.

Không còn chậm như năm 2013 hay 2014, việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã được đẩy mạnh kể từ đầu năm 2015 đến nay. Mở màn cho hàng loạt thương vụ lớn về mua bán, sáp nhập ngân hàng là việc NHTM cổ phần Xây dựng (VNCB) được NHNN mua lại với giá 0 đồng từ tháng 2. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, VNCB chỉ là ngân hàng mở đầu cho cuộc thanh lọc ắt phải xảy ra trong hệ thống ngân hàng. Nhận định đó không sai, vì chỉ trong vòng khoảng nửa năm đã có thêm 2 ngân hàng khác được NHNN mua với giá 0 đồng.

Ngay sau khi VNCB bị mua lại gần 3 tháng, NHTM cổ phần Đại Dương (OceanBank) cũng "nối gót" do hoạt động của đơn vị này bộc lộ nhiều yếu kém, vi phạm nhiều quy định của pháp luật. Chưa dừng lại ở đó, mới đây NHNN lại công bố quyết định mua lại NHTM cổ phần Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cũng chỉ với giá 0 đồng.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Dầu khí Toàn cầu (GPBank) được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.


Với quyết định này, NHNN trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của GPBank, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu. Cũng như VNCB và OceanBank, GPBank đã bị Thanh tra NHNN phát hiện nhiều yếu kém trong kinh doanh, âm vốn chủ sở hữu và quản trị, điều hành kém hiệu quả. GPBank đã được NHNN tạo điều kiện để tự tái cơ cấu nhưng không trình được phương án khả thi và tiếp tục bộc lộ nhiều yếu kém, dẫn đến tình trạng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.. Trước đó, nhiều người đã kỳ vọng GPBank được nhà đầu tư nước ngoài "để mắt" đến và mua toàn bộ cổ phần, song điều này không diễn ra.

Cùng với những ngân hàng có 100% nguồn vốn điều lệ thuộc sở hữu của NHNN, mới đây đã có thêm một số ngân hàng chấp nhận bị "xóa" tên khỏi hệ thống khi phải sáp nhập vào ngân hàng khác. Đó là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) nhận sáp nhập Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB). BIDV có vốn điều lệ lớn gấp 9 lần, tổng tài sản gấp gần 15 lần MHB, nhưng lãnh đạo BIDV vẫn quyết định bảo vệ cổ đông khi chấp nhận cho cổ phiếu của MHB được đổi ngang giá trị sang cổ phiếu BIDV. Sau sáp nhập, vốn điều lệ của BIDV đạt 31.511 tỷ đồng, tổng tài sản của ngân hàng sau sáp nhập là hơn 695.000 tỷ đồng, trong đó phần của MHB khoảng 45.000 tỷ đồng.

Cùng với BIDV, NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng nhận sáp nhập NHTM cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Đại diện VietinBank nhận định, PGBank là ngân hàng có lợi thế cạnh tranh lớn dựa trên cơ sở khách hàng bền vững của hệ thống Petrolimex và các đơn vị thành viên, dịch vụ tài chính cung cấp tại hệ thống cây xăng của Petrolimex và đại lý trên toàn quốc, có thế mạnh về dịch vụ ngoại hối…

Mới đây, NHNN cũng đã có quyết định về việc NHTM cổ phần Hàng hải (Maritime Bank) tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của NHTM cổ phẩn Phát triển Mê Kông (MDB). Trong thời hạn 15 ngày, Maritime Bank có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục về đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, bố cáo sáp nhập... MDB có trách nhiệm bàn giao toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp cho Maritime Bank. Với quyết định này, MDB sẽ sớm bị xóa tên trong hệ thống ngân hàng.

Nhận sáp nhập để tăng mạng lưới giao dịch, tổng nguồn vốn, cũng như loại dần những ngân hàng nhỏ, bảo đảm an toàn cho hệ thống, các biện pháp mạnh tay của NHNN đã nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội. Bên cạnh những ngân hàng bị NHNN mua lại, cũng như chấp nhận sáp nhập vào ngân hàng khác, một số đơn vị đã tự tìm cách tăng vốn điều lệ, để có thể vào nhóm những ngân hàng mạnh. Trong đó có Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tăng vốn điều lệ từ 8.865 tỷ đồng lên 9.486 tỷ đồng. Hay như Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tăng vốn điều lệ từ 11.593,9 tỷ đồng lên 16.000 tỷ đồng...

Những thương vụ mua bán, sáp nhập ngân hàng "đình đám" của năm 2015 liệu đã dừng? Theo các chuyên gia, điều này có thể chưa kết thúc, không phải vì ngân hàng hoạt động quá kém, mà do các ngân hàng nhỏ muốn "kết duyên" với những ngân hàng lớn hơn để tránh những rủi ro trong cuộc cạnh tranh khốc liệt đang ở phía trước. Đó là chưa kể đến sự lớn mạnh, ổn định của hệ thống ngân hàng vốn là điều tối cần thiết cho sự phát triển của đất nước trong những năm sắp tới.

Đức Anh