Ngăn chặn xả nước thải vào hệ thống thủy lợi: Bài toán nan giải
Xã hội - Ngày đăng : 06:44, 28/07/2015
Hà Nội có mạng lưới thủy lợi nội đồng dày đặc với 11.412 tuyến kênh, mương, cùng với Sông Nhuệ, Sông Đáy, Sông Tích... đảm nhiệm việc tưới, tiêu cho hơn 200 nghìn héc ta sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, các hệ thống thủy lợi đang ngày đêm bị đầu độc do nguồn chất thải chưa qua xử lý của các nhà máy, cơ sở sản xuất, làng nghề, khu chăn nuôi... xả thẳng ra kênh, mương, sông, hồ. Theo số liệu quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường - TNMT), nguồn nước mặt Sông Nhuệ có hàm lượng BOD, NH4+, COD và chất rắn, kim loại nặng lơ lửng trong nước vượt 3-5 lần so với tiêu chuẩn cho phép loại B đối với nước mặt là nước sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội, những hàm lượng này đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nước cung cấp cho sản xuất, làm giảm tuổi thọ các công trình thủy lợi và gây ra một số bệnh cho nông dân. Thực tế, qua kiểm tra nguồn nước phục vụ nhân dân một số địa phương sản xuất nông nghiệp ở vụ mùa vừa qua cho thấy, nhiều nông dân bị mắc các bệnh ngoài da do nguồn nước mặt bị ô nhiễm nặng.
Nguồn nước Sông Nhuệ khu vực quận Hà Đông đến Thường Tín bị ô nhiễm nặng. Ảnh: Mạnh Hà |
Chị Nguyễn Thị Hương ở xã Đông Phương Yên (Chương Mỹ) cho biết: Dù đã đi ủng để cấy nhưng vẫn không ngăn được nước bẩn, chân, tay bị phát ban, mẩn ngứa rất khó chịu. Còn theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tam Hưng (Thanh Oai), hằng năm đồng ruộng ở địa phương phải sử dụng nguồn nước đặc sánh, đen ngòm từ Sông Nhuệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, không những ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn làm giảm năng suất, chất lượng cây trồng. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ, thậm chí phản ánh trong các đợt tiếp xúc cử tri nhưng các cơ quan, ban, ngành vẫn chưa đưa ra được giải pháp khả thi để xử lý dứt điểm vấn đề này.
Ông Nguyễn Vĩnh Liên cho biết việc kiểm tra, xác định chủ nguồn xả nước thải để xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Theo chức năng nhiệm vụ, các đơn vị thủy lợi chỉ thống kê các điểm xả thải và báo cáo lên chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền như: Sở TNMT, Cảnh sát môi trường... Nhưng qua kiểm tra cho thấy, số điểm xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi có sự gia tăng hằng năm, còn các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý, cưỡng chế vi phạm.
Tại hội nghị bàn giải pháp xử lý vi phạm đê điều và công trình thủy lợi vừa được tổ chức, Phó Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Minh Mười cho biết, hằng năm Sở đều thành lập các đoàn kiểm tra việc xả thải của các doanh nghiệp, làng nghề... để xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, năm 2014 đã kiểm tra 540 cơ sở, xử phạt hơn 100 trường hợp xả thải quá tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp vi phạm này mới chỉ bị xử phạt hành chính, chưa thấy đơn vị nào triển khai việc khắc phục vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt yêu cầu tăng cường sự phối hợp của 3 ngành: Nông nghiệp, TNMT và Công an trong kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là đối với vi phạm của các doanh nghiệp nằm sát bờ sông, trục kênh mương chính. Về lâu dài, thành phố cần đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải để xử lý tập trung trước khi xả ra môi trường. Có như vậy mới hạn chế tận gốc ô nhiễm nguồn nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo các doanh nghiệp thủy lợi, tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố diễn ra phức tạp, trong đó hoạt động xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn ngày càng tăng. Tính đến hết tháng 6-2015, trên toàn hệ thống thủy lợi tồn tại 1.452 điểm xả nước thải, trong đó chỉ có 8 cơ sở sản xuất, bệnh viện được cấp giấy phép đủ điều kiện xả nước thải ra môi trường, còn lại không có giấy phép. Nghiêm trọng nhất là hệ thống thủy lợi Sông Nhuệ có 467 điểm xả thải; khu vực Công ty Thủy lợi Hà Nội quản lý có 402 điểm; Sông Đáy có 263 điểm; Sông Tích có 258 điểm... |