Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi ván bài mạo hiểm

Thế giới - Ngày đăng : 06:21, 28/07/2015

(HNM) - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) buộc phải tổ chức phiên họp khẩn để thảo luận về tình trạng bạo lực gia tăng giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lực lượng đòi ly khai người Kurd (PKK).

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng IS ở miền Bắc Syria.



Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu triệu tập phiên họp này sau khi Ankara khởi động một chiến dịch quân sự trên cả hai mặt trận, chống khủng bố IS tại biên giới với Syria và chống lực lượng người Kurd tại miền Bắc Iraq.

Việc tăng cường chiến dịch quân sự chống IS và PKK của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ được xem là một bước ngoặt trong chính sách. Bởi lẽ thời gian qua, chính quyền Ankara bị phương Tây đánh giá là thiếu "rõ ràng" đối với cuộc chiến chống IS mà các nước đồng minh đang tích cực triển khai. Nhiều nhà phân tích cho rằng, quyết định này được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra nhằm trả đũa vụ đánh bom liều chết do IS thực hiện khiến 32 người thiệt mạng ở thị trấn Suruc gần biên giới Syria hôm 20-7. Tuy nhiên, điều khiến dư luận bất ngờ là Ankara lại gộp cả PKK trong chiến dịch tấn công lần này.

Trên thực tế, trong cuộc chiến chống IS, liên quân do Mỹ đứng đầu phải dựa khá nhiều vào các tay súng người Kurd. Họ đã được Mỹ và nhiều nước phương Tây tiếp tế khí tài. Không thể phủ nhận, Ankara cũng được hưởng lợi từ sự chiến đấu kiên cường của các tay súng người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ có 1.000km biên giới chung với Iraq và Syria. Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd đang chiếm lĩnh một số địa bàn tại miền Bắc Iraq, miền Tây bắc Iran và miền Đông Bắc Syria với số dân từ 35 tới 40 triệu người. Do đó, các thị trấn ở miền Bắc Syria và Iraq vẫn chưa rơi vào tay IS. Bằng không, với tốc độ tấn công kinh hoàng, IS sẽ làm chủ cả dải đất rộng lớn ở miền Bắc Syria, chạy dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, đe dọa trực tiếp đến an ninh của nước này.

Tuy nhiên, việc PKK được Mỹ và nhiều nước phương Tây tiếp tế vũ khí, cũng như vai trò của lực lượng này trong cuộc chiến chống IS không khỏi làm chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại, đặc biệt về sự gia tăng tham vọng đòi độc lập của người Kurd. Rất có thể, đây là lý do Ankara triển khai cuộc chiến chống cả IS tại biên giới với Syria và chống lực lượng người Kurd tại miền Bắc Iraq. Thế nhưng, với động thái này, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ làm suy yếu vùng đệm ngăn cản IS tiến gần tới biên giới. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực như Iran và Syria đã lên tiếng cảnh báo, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải hứng chịu những đòn trả thù không chỉ từ IS mà cả từ phiến quân người Kurd. Tình trạng tái xung đột nghiêm trọng với phiến quân người Kurd không chỉ làm tiêu tan toàn bộ tiến trình kiến tạo hòa bình mà hai bên khó khăn kiếm tìm từ gần 30 năm qua mà còn có thể đẩy đất nước gần 75 triệu dân này vào thế "thù trong, giặc ngoài".

Bằng chứng là ngay sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ oanh kích vào khu vực người Kurd, PKK đã thực hiện một vụ đánh bom khủng bố nhằm vào một đoàn xe quân đội tại Diyarbakir, nằm ở Đông Nam nước này, làm ít nhất 2 binh sĩ thiệt mạng và nhiều người bị thương. Trước đó, hàng loạt vụ tấn công khủng bố cũng đã xảy ra làm hàng chục binh sĩ nước này thiệt mạng. PKK cho rằng, việc ném bom vào các mục tiêu ở miền Bắc Iraq là "sai lầm quân sự và chính trị nghiêm trọng nhất" mà chính quyền Ankara phạm phải.

Tình trạng xung đột vũ trang kéo dài 3 thập kỷ giữa Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ và PKK đã khiến khoảng 40.000 người thiệt mạng. Vẫn còn quá sớm để khẳng định quốc gia này sẽ quay lại những ngày tệ hại vào những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng bóng ma quá khứ đang có nguy cơ tái xuất hiện khi Ankara quyết định chơi một ván bài mạo hiểm.

Phương Quỳnh