Đích là nâng cao đời sống nông dân

Xã hội - Ngày đăng : 06:19, 28/07/2015

(HNM) - Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ huyện Thanh Oai đã có nhiều giải pháp đồng bộ: Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị đẩy mạnh phong trào


Hơn 1.500 tỷ đồng đã được đầu tư trong 5 năm qua góp phần giúp bộ mặt nông thôn đổi thay, đồng thời giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, Chương trình 07 của Huyện ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân", Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Phùng Thị Hồng Hà cho biết, 3 xã: Hồng Dương, Cao Dương, Dân Hòa đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đến hết năm 2015, huyện phấn đấu sẽ có thêm 4-5 xã hoàn thành, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 8 xã, chiếm 40%. Nhưng thành quả quan trọng hơn cả là, với cách làm quyết liệt, sáng tạo, Thanh Oai đã huy động được sức dân vào thực hiện chương trình quan trọng này.

Không chỉ nắm được tinh thần và chủ trương triển khai từ trung ương đến cơ sở, nông dân còn hiểu rõ trách nhiệm của mình và tham gia tích cực. Vì thế, trong bối cảnh kinh tế hết sức khó khăn, nhưng trong 5 năm, Thanh Oai đã tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn với tổng giá trị trên 1.500 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 46,7 tỷ đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, làm cho bộ mặt nông thôn khang trang. Không chỉ vậy, nhân dân còn tự nguyện hiến đất và công sức, trực tiếp tham gia nhiều công trình công cộng.

"Trong xây dựng NTM, nhân dân đã chung sức đóng góp vật chất, hiến đất nông nghiệp (hơn 796.000m2) làm đường giao thông nội đồng, hiến hàng nghìn mét đất thổ cư mở rộng các góc cua, đường hẹp để tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thôn xóm. Điển hình là các xã: Cao Dương, Thanh Văn, Tân Ước, Liên Châu…" - Bí thư Huyện ủy Phùng Thị Hồng Hà cho biết.

Điều đặc biệt, thông qua thực hiện chương trình xây dựng NTM là dịp thử thách, rèn luyện cán bộ. Trên thực tế, đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở đã đoàn kết và có nhiều sáng tạo trong cách làm nên đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Đơn cử như xã Hồng Dương khi triển khai xây dựng NTM mới đạt và cơ bản đạt 8 tiêu chí, còn lại 11 tiêu chí chưa đạt đều là những tiêu chí khó thực hiện. Tập thể Đảng ủy đã thảo luận, thống nhất đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng NTM; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền nhân dân dồn điền đổi thửa, hiến đất, vật chất, tiền và cả ngày công lao động; xây dựng các tuyến đường tự quản bảo đảm vệ sinh môi trường…

Mặt khác, sau khi dồn điền đổi thửa, xã đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tích cực đào tạo nghề, phát triển trang trại, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đặc biệt, xã đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, công khai cho nhân dân được biết. Nhờ đó, Hồng Dương đã về đích xây dựng NTM như mục tiêu đặt ra; thu nhập bình quân năm 2010 đạt 12,6 triệu đồng đến nay đã tăng lên hơn 30 triệu đồng/người/năm.

Không chạy theo thành tích, làm tới đâu chắc tới đó là phương châm của huyện Thanh Oai. Vì vậy, Huyện ủy đã chỉ đạo các xã rà soát từng tiêu chí, đề ra lộ trình, biện pháp và thứ tự ưu tiên thực hiện. Ngay như nhóm tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng, sau khi đánh giá thực trạng, đầu năm nay, huyện quyết định ưu tiên vốn thực hiện các công trình cấp thiết và đã xuống cấp nghiêm trọng như: Đường trục xã Bình Minh đi đường trục phát triển phía Nam; Trường Mầm non khu A xã Bình Minh, thôn Quan Nhân xã Thanh Văn; đường liên xã Thanh Văn - Đỗ Động (giai đoạn 2)… làm dứt điểm mới triển khai các dự án khác. Do vậy, nếu như năm 2010 chưa có xã nào đạt chuẩn về giao thông thì đến nay đã có 7/21 xã đạt, 5 xã cơ bản đạt; về trường học đã có 3 xã đạt chuẩn, 5 xã cơ bản đạt (năm 2010 chưa có xã nào đạt chuẩn).

Hay trong công tác dồn điền, đổi thửa, phát huy tinh thần "đảng viên đi trước, làng nước theo sau", Thanh Oai đã dồn đổi hơn 5.165ha; đào đắp hơn 2 triệu mét khối giao thông, thủy lợi nội đồng. Từ đây, Thanh Oai đã tổ chức lại sản xuất, triển khai ứng dụng mô hình cấy bằng máy, hình thành vùng lúa hàng hóa chất lượng cao 1.000ha ở các xã: Thanh Văn, Tam Hưng, Mỹ Hưng, Thanh Thùy, Đỗ Động và thị trấn Kim Bài. Chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp đã nâng giá trị sản phẩm thu hoạch từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản của huyện đạt 215,3 triệu đồng/ha/năm.

"Từ kết quả thực hiện cho thấy, chủ trương dồn điền, đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện là phù hợp. Không chỉ khắc phục tình trạng đồng ruộng manh mún mà còn tạo điều kiện cho các xã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo quy hoạch, giúp các hộ sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế. Như vậy, đích của chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống nông dân đang đến thật gần" - Bí thư Huyện ủy Phùng Thị Hồng Hà nhận định.

Yên Bình