Huyện Phúc Thọ: Đối thoại với dân để xây dựng đội ngũ cán bộ

Chính trị - Ngày đăng : 06:10, 28/07/2015

(HNM) - Nhiệm kỳ 2010-2015, huyện Phúc Thọ đạt nhiều kết quả ấn tượng trên các lĩnh vực phát triển KT-XH địa phương.


Nổi bật trong đó, sau 4 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới từng bước nâng cao đời sống nhân dân", sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt được những kết quả quan trọng. Hiện Phúc Thọ đang phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới trong năm 2015. Theo Bí thư Huyện ủy Ngọ Duy Hiểu, xuất phát điểm của thành công nêu trên cũng như với các mặt công tác khác là do nền tảng từ công tác cán bộ, từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Và như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Đổi mới công tác cán bộ…

Năm 2012, khi kiểm tra việc xây dựng nông thôn mới (NTM) tại huyện Phúc Thọ, Ban Chỉ đạo của thành phố đã nghiêm túc phê bình cấp ủy, chính quyền huyện về tiến độ chậm và hơn hết là tâm lý ngại khó. Vậy nhưng tới cuối năm 2014, Phúc Thọ được thành phố ghi nhận là huyện thuộc tốp đầu về xây dựng NTM. Cụ thể, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 250 triệu đồng/ha, giá trị canh tác đạt 105 triệu đồng/ha; công tác dồn điền, đổi thửa của huyện đạt kết quả tốt; sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mới về chuyển dịch cơ cấu; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh…

Bí thư Huyện ủy Ngọ Duy Hiểu cho biết, có được kết quả đó là do Huyện ủy và cơ sở đã nhìn nhận nghiêm túc những hạn chế, yếu kém, từ đó thay đổi phong cách lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng quyết liệt gắn với trách nhiệm tập thể, cá nhân cấp ủy. Sự đổi mới về tư duy, phương thức lãnh đạo không chỉ giúp Phúc Thọ khắc phục được khó khăn, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các tiêu chí NTM mà còn giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng do "lịch sử" để lại, gây bức xúc trong nhân dân địa phương. Đây cũng chính là những nội dung thiết thực được Phúc Thọ lựa chọn là khâu đột phá trong thời gian qua, nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và đẩy mạnh xây dựng NTM.

Băng - cờ - khẩu hiệu chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Phúc Thọ. Ảnh: Bá Hoạt


Muốn dân tin, dân đồng thuận thì khi triển khai bất cứ chủ trương, chính sách nào đều đòi hỏi cán bộ phải làm đúng và vận dụng sáng tạo, phù hợp vào tình hình địa phương để xây dựng từng chương trình, kế hoạch công tác đúng, trúng, hiệu quả cao. Tiếp đó là đổi mới phương pháp, phong cách lãnh đạo, điều hành khoa học, tập trung, quyết liệt; lãnh đạo toàn diện, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo thực hiện có điểm mới, điểm nhấn. Mặt khác, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt, giải quyết vấn đề ngay từ cơ sở; chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và tính tiền phong, gương mẫu, tự phê bình và phê bình của đội ngũ cán bộ, đảng viên…

Từ việc đối thoại với người dân

Thực ra những nội dung nêu trên là không mới, nhưng sự khác biệt của Phúc Thọ chính ở cách làm. Theo Quyết định 218-QĐ/TƯ năm 2013 của Bộ Chính trị, cấp ủy, tổ chức Đảng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy ở địa phương với nhân dân. Bí thư Huyện ủy Ngọ Duy Hiểu cho rằng, đây là định hướng rất sát của Đảng trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế không phải bao giờ cán bộ cũng sẵn sàng đối thoại với dân, bởi chủ thể đối thoại - bản thân cán bộ phải rất sâu sát, phải am hiểu vấn đề mới "dám" đối thoại. Và đương nhiên, nắm vấn đề không chắc thì không đủ khả năng để giải quyết những kiến nghị, thắc mắc, bức xúc của người dân. Thêm vào đó, còn có những cán bộ "sợ" đối thoại với dân vì vướng việc nọ, việc kia, thậm chí trong đó có cả những sai phạm của bản thân cả về phẩm chất đạo đức và năng lực nghiệp vụ. Cuối cùng, đối thoại với dân là việc mới, việc khó, việc chưa có tiền lệ và chưa có chế tài bắt buộc thực hiện nên chắc chắn một bộ phận công bộc của dân "ngại" triển khai.

Dù không phải không có khó khăn, song lãnh đạo Huyện ủy Phúc Thọ xác định, tổ chức đối thoại với người dân là cơ hội để người đứng đầu cả cấp ủy, chính quyền có được lượng thông tin quý giá những vấn đề nổi cộm của cơ sở, những trăn trở, băn khoăn và cả những mong muốn, kỳ vọng của người dân. Mặt khác, đây chính là "thước đo" tâm trạng của người dân, là dịp để cán bộ gần dân, hiểu dân và từ đó giải quyết hiệu quả những vấn đề người dân quan tâm, đồng thời là kênh đánh giá chính xác năng lực, phẩm chất của cán bộ từ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện và cơ sở cũng như trách nhiệm của các phòng, ban liên quan.

Bên cạnh đó, theo Bí thư Huyện ủy Ngọ Duy Hiểu, qua đối thoại còn đánh giá được các chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống như thế nào, cái gì được, cái gì chưa, cái gì hay thì phát huy, cái dở phải điều chỉnh. Đặc biệt, việc chủ động tổ chức đối thoại là rất quan trọng, thay cho việc đối thoại thụ động khi chuyện đã trở thành điểm nóng - tổ chức đối thoại để giải quyết tình huống. Cấp ủy và chính quyền từ huyện tới cơ sở có thể chủ động tháo gỡ những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tạo được sự đồng thuận của người dân và phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân trong việc đề xuất, giám sát.

Duy trì và tổ chức đối thoại với người dân thời gian qua đã giúp cho cấp ủy, chính quyền các cấp của Phúc Thọ nhanh chóng giải tỏa, có hướng giải quyết, xử lý, khắc phục hàng trăm vấn đề trong các lĩnh vực của đời sống xã hội mà người dân bức xúc, băn khoăn, thắc mắc, phản ánh… Đó là cơ sở để xã Võng Xuyên trở thành điểm sáng về xây dựng NTM; xã Liên Hiệp kiện toàn đội ngũ cán bộ, giành lại niềm tin của người dân; xã Tam Hiệp tạo điều kiện sản xuất và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các hộ gia đình… Đồng thời đây chính là môi trường tốt để rèn luyện, đào tạo và lựa chọn cán bộ hội tụ đủ phẩm chất và năng lực phục vụ quá trình phát triển KT-XH của địa phương.

Thái Sơn