Nghĩa tình hoạt động tri ân
Chính trị - Ngày đăng : 06:27, 27/07/2015
Tri ân với tất cả tấm lòng
Hà Nội có hơn 4 triệu người con đã từng tham gia các cuộc kháng chiến cứu nước và cũng là địa phương có nhiều NCC nhất cả nước với hơn 800.000 đối tượng chính sách, trong đó có 17.136 liệt sĩ, 30.245 thương binh, 13.017 bệnh binh. Theo đánh giá của Trung ương, Hà Nội luôn đi đầu cả nước trong việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ, bảo đảm 100% các gia đình chính sách có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Chăm sóc thương, bệnh binh và người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công TP Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền |
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Toàn Khang, từ năm 1993, Hà Nội đã là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện công tác điều dưỡng NCC. Ngoài nguồn kinh phí trung ương, thành phố còn trích ngân sách hỗ trợ 50.000 - 120.000 đồng/trường hợp đi điều dưỡng tại các trung tâm. Từ đó đến nay, Hà Nội đã tổ chức điều dưỡng luân phiên cho trên 400.000 lượt đối tượng, trong đó điều dưỡng tại gia đình cho trên 160.000 lượt người và điều dưỡng tập trung cho trên 140.000 người. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền còn tổ chức cho từ 4.000 đến 7.000 lượt đối tượng đi điều dưỡng tại các trung tâm phục hồi sức khỏe của Bộ LĐ-TB&XH và các cơ sở khác ngoài thành phố.
Thành phố cũng đã thực hiện xuất sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với những NCC trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. 5 năm qua, các ngành chức năng đã thực hiện các quyết định của Chính phủ chi trả cho 192.239 đối tượng với tổng số tiền gần 742 tỷ đồng; phối hợp với các bệnh viện quân đội trên địa bàn tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, thăm tặng quà 135.464 đối tượng chính sách; xây dựng khu tưởng niệm liệt sĩ Hà Nội hy sinh tại mặt trận Bắc Kon Tum (tỉnh Kon Tum)… Dịp 27-7 năm nay, TP Hà Nội đã chi gần 57 tỷ đồng từ ngân sách để tặng quà cho 127.160 đối tượng hưởng chính sách thương binh, liệt sĩ trên địa bàn thành phố.
Thêm nhiều việc làm có ý nghĩa
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo khẳng định, công tác chăm sóc NCC luôn được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố quan tâm, được Trung ương đánh giá là đơn vị đi đầu trong thực hiện chính sách này. Ngoài thực hiện chính sách chung của Trung ương, Hà Nội còn có chính sách riêng hỗ trợ, chăm lo cho các đối tượng, nhằm thể hiện sự quan tâm, chăm sóc tốt nhất đối với gia đình NCC. Bình quân mỗi năm, thành phố trích ngân sách khoảng 120 tỷ đồng cho công tác chi trả trợ cấp; điều dưỡng luân phiên 2 năm một lần cho các thương, bệnh binh, thay vì 5 năm một lần như trước.
Nhiều chính sách hỗ trợ khác dành cho NCC đã và đang được thành phố tích cực triển khai. Điển hình như việc giải quyết chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc (Chế độ 62). Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã chi trả chế độ trợ cấp một lần được 13 đợt cho 62.523 đối tượng với số tiền hơn 255 tỷ đồng và 66 đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng. Ngành LĐ-TB&XH thành phố giải quyết 114 đối tượng, với số tiền trợ cấp hơn 525 triệu đồng. Công an thành phố giải quyết được 101 đối tượng. Ban Chỉ đạo 62 thành phố đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 58.293 đối tượng; giải quyết chế độ mai táng phí cho 947 đối tượng với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Hiện tại, toàn thành phố còn khoảng hơn 5.000 hồ sơ đang được các cơ quan chức năng của thành phố thẩm định, giải quyết.
Thượng tá Chử Văn Tính, Trưởng phòng Chính sách Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: "Phần lớn các hồ sơ này đều gặp nhiều khó khăn như: Hồ sơ gốc và giấy tờ được coi là giấy tờ gốc không thể hiện hết thời gian và địa bàn công tác; có đối tượng mất hết giấy tờ, việc lưu trữ sổ sách ở các cấp không còn đầy đủ. Cán bộ làm công tác chính sách ở cấp xã, phường kiêm nhiệm nhiều nên việc xét duyệt và phân loại hồ sơ gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đang cùng các cơ quan chức năng tích cực thẩm định hồ sơ, phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ cơ bản hoàn thành để tiếp tục chuyển sang giải quyết chế độ chính sách mới theo yêu cầu của trên".
Ngoài ra, trong giai đoạn 2015-2020, Hà Nội sẽ dành khoảng 1.760 tỷ đồng (ngân sách TP Hà Nội cấp khoảng 1.358 tỷ đồng); giai đoạn 2021-2030 đạt 3.500 tỷ đồng (ngân sách TP Hà Nội cấp khoảng 1.246 tỷ đồng) để phát triển mạng lưới cơ sở xã hội chăm sóc NCC, bảo đảm tiếp nhận 100% NCC thuộc diện hưởng chính sách có nhu cầu được nuôi dưỡng và điều dưỡng tập trung tại cơ sở xã hội theo quy định.