Người thương binh vượt khó làm giàu

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:17, 27/07/2015

(HNM) - Đến xã Khánh Thượng - Ba Vì không ai là không biết đến thương binh Bùi Văn Chung ở Thôn Gò - Đình Muôn, bởi nghị lực vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế của người thương binh hạng 2/4 này.

Ông Bùi Văn Chung.


Trở về quê hương khi chiến tranh kết thúc với hành trang chỉ là một chiếc ba lô và thân thể không còn lành lặn. Cánh tay trái của ông đã vĩnh viễn để lại chiến trường nên mọi sinh hoạt, sản xuất của ông gặp không ít khó khăn. Sau một thời gian rèn luyện và thành thạo công việc hằng ngày, ông trăn trở tìm cách thoát nghèo. Ông chia sẻ: "Với người lành lặn làm ăn đã khó, bản thân chỉ còn một cánh tay, sức khỏe yếu, kinh tế gia đình lại khó khăn nên tôi xác định con đường vượt khó của mình càng gian nan hơn, nhưng quan trọng là không được lùi bước".

Ông đã không quản ngại gian khó, tự mày mò làm đủ nghề từ chăn nuôi trâu bò, trồng mía sản xuất đường thủ công, buôn bán rồi đến mở xưởng sản xuất gạch bê tông, bán vật liệu xây dựng… Với quan điểm sống và làm việc theo lời dạy của Bác Hồ "thương binh tàn nhưng không phế", bằng nghị lực và ý chí, ông đã thành công và gắn bó với nghề sản xuất gạch bê tông và bán vật liệu xây dựng kết hợp chăn nuôi lợn. Từ chỗ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, ông mạnh dạn vay vốn mở rộng quy mô sản xuất.

Sau hơn 15 năm tạo lập sự nghiệp bằng nghề sản xuất gạch bê tông, bán vật liệu xây dựng và chăn nuôi lợn, hiện nay giá trị tài sản mà ông đang sở hữu khoảng hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, chủ yếu là con em cựu chiến binh với mức lương 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, mỗi ngày xưởng của ông có thể sản xuất được khoảng 2.000 viên gạch, mỗi năm khoảng 60 vạn gạch, cùng với kinh doanh vật liệu xây dựng, mỗi năm ông lãi gần 200 triệu đồng. Gạch bê tông do ông sản xuất không chỉ cung cấp cho các thị trường trong xã mà còn bán rộng khắp huyện Ba Vì và các xã vùng lân cận của tỉnh Hòa Bình.

Bên cạnh đó, trong chuồng nhà ông lúc nào cũng có 3 lợn nái và 30 lợn thịt; mỗi năm ông nuôi 3 lứa, mỗi lứa lãi khoảng 10 triệu đồng. Tận dụng lợi thế đất đai, ông trồng 1ha cây ăn quả và sản xuất gạch, chăn nuôi; 2ha còn lại ông trồng keo lấy gỗ, cứ 5 năm một lần, thu gần 200 triệu đồng/ha. Như vậy từ việc sản xuất gạch bê tông, bán vật liệu xây dựng, chăn nuôi lợn và trồng cây, mỗi năm ông lãi trên 300 triệu đồng.

Thành công trong việc phát triển kinh tế gia đình, CCB, thương binh Bùi Văn Chung còn chú trọng đến các hoạt động tình nghĩa. Hằng năm ông giúp đỡ từ 5 đến 8 lượt hộ nghèo trong xã và giúp các đồng đội và người dân gặp khó khăn bằng việc hỗ trợ gạch, vật liệu xây dựng để họ làm nhà hoặc chuồng trại phát triển kinh tế, qua đó đã phần nào giúp họ bớt khó khăn trong cuộc sống. Ghi nhận những nỗ lực của ông và gia đình, nhiều năm liền gia đình ông đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 3 năm liền được công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố và nhiều năm được hội CCB xã, Ủy ban nhân dân xã khen thưởng.

Mới đây, gia đình ông đã xây ngôi nhà khang trang trị giá 1,2 tỷ đồng. Nhìn vào tài sản và khả năng sản xuất, kinh doanh của ông, không thể không khâm phục người thương binh "tàn nhưng không phế". Ông thực sự là tấm gương sáng cho không chỉ cho các cựu chiến binh, thương, bệnh binh mà cả với những người khỏe mạnh. 

Khuất Duyên