Không xa rời mục tiêu vì con người

Văn hóa - Ngày đăng : 07:09, 26/07/2015

(HNM) - Bộ VH, TT&DL đang xây dựng đề án


Tìm "lõi" của đề án

Dự thảo đề án thể hiện nội dung quan điểm chỉ đạo là phát triển văn hóa đọc nhằm tiếp thu tri thức nhân loại, làm giàu thêm vốn tri thức của dân tộc và con người Việt Nam; bên cạnh đó là nhằm điều chỉnh các biểu hiện lệch lạc, hình thành thị hiếu lành mạnh…, góp phần xây dựng con người có nhân cách, có tri thức, kỹ năng sống. Các cơ quan nhà nước, cơ sở đào tạo, thư viện và gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người dân đọc sách, xây dựng môi trường đọc thân thiện...

Dự thảo cũng đưa ra những mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, cho từng nội dung. Thử soi chiếu qua một số chỉ tiêu cần đạt được vào năm 2020, như 95% thư viện cấp tỉnh có trụ sở độc lập, trang thiết bị hiện đại và 50% số thư viện cấp huyện có điền kiện tương tự; 30% gia đình có tủ sách… Còn nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra cho thấy sức bao quát của dự thảo đề án như tỷ lệ phương tiện truyền thông có chuyên mục giới thiệu sách, biên soạn tài liệu hướng dẫn đọc; sự phối hợp giữa các ngành liên quan để tăng cường văn hóa đọc…

Độc giả hiểu rõ mình cần đọc gì là một cách tạo động lực cho việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc thêm gần gũi với đời sống. Ảnh: Bảo Lâm


"Phát triển văn hóa đọc" là một nội dung lớn, chỉ hiểu thấu đáo về nó đã không dễ dàng, chưa nói việc đề ra và thực hiện đúng đắn kế hoạch nhằm hiện thực hóa mục tiêu đề ra. Để không chệch hướng và để kế hoạch mang tính khả thi, sát cuộc sống và yêu cầu đặt ra, mọi hoạt động ở các tầng nấc đều phải xoay quanh, hướng vào phục vụ vấn đề cốt lõi của đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đó không thể là điều gì khác hơn việc xây dựng văn hóa đọc nhằm mang lại cho con người một đời sống tốt hơn, giá trị hơn về nhiều mặt, trong đó có giá trị nhân cách, lối sống… được xem là đích đến của sự đọc và cũng là quá trình tự học.

Việc xây dựng các mô hình thư viện như thư viện công cộng, thư viện trường học…, dù rất quan trọng nhưng cũng mới là điều kiện cần. Có "nhà to", có nhiều sách thì vẫn sẽ là thiếu nếu không phát triển, nhân rộng văn hóa đọc. Một cách thiết thực, không chỉ đề án này mà mỗi hoạt động liên quan đến phát triển văn hóa đọc, mỗi người đọc phải có câu trả lời thuyết phục cho việc đọc để làm gì, phát triển văn hóa đọc mang lại lợi ích gì cho mỗi cá nhân, cho cộng đồng và cho đất nước…

Thậm chí, bạn đọc, với đặc thù công việc, tâm lý, thời gian khác nhau, phải có định hướng đọc khác nhau. Hiểu rõ mình cần gì, nên đọc gì là một cách tạo động lực cho sự đọc, giúp cho việc đề ra mục tiêu thêm tính khả thi, gần gũi với đời sống. Ví như việc mở thư viện, cung cấp sách, nên chăng dựa trên những điều tra về đối tượng độc giả ở địa phương. Có khi mở được một điểm đọc sách mà hiệu quả còn hơn mở nhiều điểm nhưng không có người lui tới. Hơn nữa, cộng đồng nào thì mô hình tủ sách nấy, chưa chắc mô hình hay ở nơi này đã lại phù hợp với nơi kia…

Bắt đầu từ nhận thức

Nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên trong dự thảo đề án là tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và dư luận xã hội về văn hóa đọc. Còn nhiều nhiệm vụ khác, nhưng thiết nghĩ, tất cả đều phụ thuộc vào sự chuyển biến về nhận thức. Một khi nhận thức đúng thì không thiếu ý tưởng và hành động thiết thực nhằm thúc đẩy văn hóa đọc.

Lý luận và thực tiễn chỉ ra rằng để tạo ra chuyển biến về nhận thức là vô cùng khó, không phải cứ đẩy mạnh tuyên truyền là thu được kết quả mong muốn. Đôi khi, từ một hành động, mô hình hiệu quả có thể khiến nhận thức của cộng đồng, của phụ huynh, của bản thân người đọc thay đổi theo hướng tích cực. Người viết từng có dịp trò chuyện với đại diện của một số mô hình phát triển văn hóa đọc cộng đồng, và đa số cho rằng cần có một cơ chế khung với sự chỉ đạo xuyên suốt từ các bộ, ngành liên quan để làm căn cứ triển khai, thực hiện mục tiêu đề ra. Mục tiêu càng cụ thể, càng rõ tính khả thi, càng thiết thực thì càng hiệu quả. Ví như việc thành lập mô hình tủ sách tới tận các lớp học là việc có thể làm được, vì nguồn sách có thể do chính các em và phụ huynh đóng góp, việc quản lý cũng do các em thực hiện. Anh Nguyễn Quang Thạch, người gây dựng mô hình "Sách hóa nông thôn" cho biết, nhiều huyện ở Thái Bình đã thực hiện thành công mô hình tủ sách ở từng lớp học, giúp học sinh đọc sách thuận tiện, từ đó môi trường đọc phát triển, diễn ra tự nhiên hơn.

Một số mô hình đã tạo nên nét phác họa ban đầu, có tính khả thi, nhưng để tạo ra sức lan tỏa rộng rãi thì cần sự chỉ đạo về đường hướng, những giải pháp bổ trợ. Đại diện một đơn vị phát hành sách tư nhân từng bày tỏ quan điểm: Văn hóa đọc trong cộng đồng muốn có được sự chuyển động mạnh mẽ hơn thì không thể chỉ trông chờ vào một vài mô hình xã hội hóa, mà cần có động thái tích cực hơn từ chính các đơn vị nhà nước. Không có sự vào cuộc từ phía này - được cho là những "cỗ máy cái" - đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng rất khó thu được hiệu quả bền vững.

Tới đây, dự thảo đề án sẽ được đưa ra để lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ các chuyên gia, các đơn vị xuất bản, nhà quản lý. Rất khó để nói về một sự hoàn thiện tuyệt đối, chỉ mong là từ đề án này, việc thúc đẩy văn hóa đọc sẽ có những bước đi bài bản, thiết thực, gần gũi với đời sống. Và, điều quan trọng là không bao giờ xa rời mục tiêu cuối cùng là vì con người.

Hà Dương