Chuyện bây giờ mới kể

Đối ngoại - Ngày đăng : 06:56, 26/07/2015

(HNM) - Trong quãng thời gian hai thập kỷ, bằng thiện chí, sự nỗ lực và tinh thần xây dựng, Việt Nam đã trở thành một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hiệp hội ASEAN.


"Sự cố" trước lễ kết nạp

Đến đầu tháng 7-1995, mọi công việc chuẩn bị cho việc Việt Nam gia nhập ASEAN đều trôi chảy. Ai cũng tưởng mọi chuyện sẽ diễn ra như kịch bản định. Nhưng một sự cố đã xảy ra khi Ủy ban Thường trực ASEAN (ASC) tiến hành cuộc họp chót từ ngày 24 đến 25-7-1995 tại Brunei để rà soát lần cuối cùng các bước thủ tục chuẩn bị cho lễ kết nạp Việt Nam. Mọi chuyện đều không gặp trở ngại gì, cho đến khi ASC bàn về các văn bản đưa ra sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao 28 (AMM 28). Một thành viên cũ của ASEAN đã đột ngột trình dự thảo tuyên bố của ASEAN về vấn đề thuyền nhân Việt Nam. Đây là điều bất ngờ ta không hề nghĩ tới, bởi lẽ về vấn đề này giữa Việt Nam và những nước thành viên ASEAN có người Việt Nam di tản sang đã có những thỏa thuận và cam kết nhằm giải quyết dứt điểm.

Ngoài ra, trong danh mục các văn bản sẽ đề nghị các Bộ trưởng thông qua tại hội nghị lần này, thành viên ASEAN kia cũng đã đưa vào dự thảo của họ về tuyên bố của ASEAN bày tỏ lo ngại về tình hình Nam Tư lúc bấy giờ. Qua tìm hiểu được biết, nước thành viên này rất muốn ASEAN ủng hộ dự thảo tuyên bố về Nam Tư nhưng còn e ngại Việt Nam không ủng hộ do lập trường của Việt Nam về tình hình Nam Tư khác với ASEAN. Quốc gia này cũng là nước duy nhất trong ASEAN đã gửi binh lính tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Bosnia Herzegovina để hỗ trợ cho người Hồi giáo ở đó và họ muốn ASEAN ủng hộ sự tham dự của họ. Thế là câu chuyện đã dần sáng tỏ. Dù không đề cập rõ ràng, nhưng dường như muốn có một sự đánh đổi chuyện đó với việc Việt Nam gia nhập ASEAN.

Thực tế là nếu để ASEAN ra tuyên bố về vấn đề thuyền nhân Việt Nam đúng vào lúc Việt Nam trở thành thành viên chính thức chắc chắn sẽ tạo ra hình ảnh không tốt cho cả ASEAN và Việt Nam. Theo sự chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Khoan, đoàn chuyên viên của ta tại Brunei đã gấp rút triển khai các hoạt động phối hợp với các nước thành viên ASEAN khác, thuyết phục, tranh thủ và kể cả tỏ thái độ gay gắt để ngăn chặn việc ra tuyên bố về thuyền nhân Việt Nam. Lập luận của ta cuối cùng đã thuyết phục được nước thành viên ASEAN rút bỏ dự thảo tuyên bố về thuyền nhân Việt Nam, và ta đồng ý ra tuyên bố về tình hình Nam Tư với lời lẽ được sửa đổi cho phù hợp với quan điểm của chúng ta. Đây là một kinh nghiệm đáng nhớ trong quá trình thương thuyết, thảo luận để Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN sau 28 năm thành lập.

Ông Đỗ Ngọc Sơn trao cờ Tổ quốc cho Tổng thư ký ASEAN Ajit Singh tại lễ kết nạp Việt Nam gia nhập ASEAN ngày 28-7-1995.


Câu chuyện "hòa nhập" và "hòa tan"

Trong những năm đầu thập kỷ 90, xung quanh việc Việt Nam quyết định gia nhập ASEAN có biết bao câu chuyện thú vị ở cả trong và ngoài nước. Nổi bật là câu chuyện "hòa nhập" hay "hòa tan". Ở trong nước, việc hiểu và ủng hộ gia nhập ASEAN đang chịu áp lực của cả hai xu hướng thuận và không thuận. Những người không đồng tình cho rằng sớm muộn gì thì Việt Nam sẽ bị "hòa tan trong ASEAN".

Còn trong số đông ủng hộ cũng còn không ít băn khoăn là liệu chúng ta có thể giữ cho không bị "hòa tan" hay không, vì ta có ít lợi thế hơn các quốc gia khác trong ASEAN. Nỗi băn khoăn này càng tăng khi Việt Nam phải cam kết tôn trọng và thực thi những thỏa thuận hợp tác mà các nước thành viên cũ của ASEAN đã đưa ra, nhất là trên các lĩnh vực chính trị, an ninh và kinh tế. Lúc bấy giờ ở khu vực, đã có nhiều cuộc hội thảo được tổ chức để bàn về những "lợi và thiệt" khi kết nạp một nước cộng sản vào Hiệp hội. Nhiều phép tính đã được đưa ra để so sánh những sự tương đồng và khác biệt giữa Việt Nam với các nước thành viên ASEAN, trong đó người ta cứ nhấn mạnh nhiều đến sự khác biệt về ý thức hệ, chế độ chính trị và trình độ phát triển kinh tế. Có nhà ngoại giao ở Hà Nội còn đề cập đến cả yếu tố "khác biệt về văn hóa" giữa Việt Nam với các nước ASEAN. Một vị Tham tán của Đại sứ quán một nước Châu Á mời tôi ăn trưa để trao đổi về việc Việt Nam gia nhập ASEAN. Trong lúc ăn, ông ta đã khéo léo nhắc nhẹ rằng "Việt Nam thuộc nền văn hóa cầm đũa đấy nhé!". Theo ông, ở Châu Á chỉ có 4 nước mà người dân có truyền thống dùng đũa lâu đời - đó là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Tôi chưa hiểu hết liệu sự nhắc nhở của ông ấy có phải lo lắng cho Việt Nam sẽ bị mất bản sắc khi gia nhập ASEAN hay là lo cho quan hệ của nước ông với Việt Nam sẽ bị "hòa tan" khi Việt Nam tham gia ASEAN. Có lẽ cả hai!

Sự tham gia tích cực, những phát biểu chân thành của ta tại các diễn đàn cùng với những hoạt động ngoại giao song phương và đa phương năng động của ta ở khu vực và trên thế giới đã giúp củng cố và gia tăng sự đồng tình và ủng hộ Việt Nam gia nhập ASEAN. Sau 20 năm tham gia ASEAN, nghĩ lại những câu chuyện trên đây trong những ngày đầu ấy lại vừa thấy vui vui về sự quan tâm chia sẻ của bè bạn, vừa cảm nhận sâu sắc quyết định gia nhập ASEAN vào thời điểm lúc bấy giờ là một quyết sách hoàn toàn đúng đắn, tạo ra những cơ hội phát triển, ổn định cho đất nước cũng như phù hợp với xu thế hội nhập đang diễn ra khắp thế giới.

Đỗ Ngọc Sơn