Kết quả thi THPT quốc gia: Thấy gì qua số điểm liệt?

Giáo dục - Ngày đăng : 06:35, 26/07/2015

(HNM) - Việc Bộ GD-ĐT điều chỉnh lại phổ điểm môn toán và ngữ văn, chấp nhận công bố con số hàng chục nghìn thí sinh bị điểm liệt được giới chuyên gia và các nhà quản lý giáo dục ghi nhận...

Đây được cho là kết quả hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

Việc Bộ GD-ĐT điều chỉnh lại phổ điểm môn toán và ngữ văn, chấp nhận công bố con số hàng chục nghìn thí sinh (TS) bị điểm liệt được giới chuyên gia và các nhà quản lý giáo dục ghi nhận như một sự chuyển động đáng mừng trong lộ trình đánh giá chất lượng.

Khoảng 80 nghìn thí sinh trượt tốt nghiệp

Với 91,58% HS tốt nghiệp THPT và giáo dục thường xuyên trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, tỷ lệ này thấp hơn gần 8% so với năm 2014 và thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy thế, đây không phải là một "cú hạ mạnh" gây sốc. Còn nhớ, năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động "Hai không" - năm 2007, dư luận đã có một phen sốc nặng khi tỷ lệ tốt nghiệp trung bình của cả nước từ mức 94% tụt xuống còn 66%.

Không phải thí sinh nào cũng có niềm vui sau kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: Viết Thành


Ước chừng sẽ có khoảng 80 nghìn TS không vượt qua được kỳ thi này, khả năng sẽ phải chờ năm sau thi lại. Nhiều giáo viên cho rằng HS chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT năm nay có phần thiệt thòi khi phải tham gia kỳ thi bao gồm cả mục đích xét tuyển ĐH - đồng nghĩa với việc đề thi có nhiều yêu cầu cao, trong khi mức điểm liệt lại điều chỉnh tăng từ 0,5 lên 1,0 điểm. Dĩ nhiên là số thí sinh này gặp nhiều áp lực.

Ban giám hiệu, thầy cô giáo ở một số trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội hiện đang dành nhiều thời gian tập trung hướng dẫn cho những HS bị điểm liệt làm thủ tục chấm phúc khảo với hy vọng không bị tuột mất cơ hội xét tuyển ĐH năm nay. Hiệu trưởng một trường THPT cho biết, một số HS có điểm thi thuộc khối để xét tuyển ĐH cao nhưng lại không đủ điều kiện xét tuyển. Đơn cử, có HS đạt 20 điểm đối với ba môn ngữ văn, sử và địa - một kết quả khiến HS có thể yên tâm phần nào khi đăng ký xét tuyển ĐH khối C, nhưng ở môn toán lại bị điểm liệt (0,5 điểm).

Theo số liệu mà Bộ GD-ĐT công bố thì số HS lâm vào tình cảnh nói trên không phải là hiếm. Cụ thể, tỷ lệ tốt nghiệp tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì (dành cho những TS dự thi với hai mục đích là vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển ĐH) đạt mức 94,74%, đồng nghĩa với việc có gần 6% không đủ điều kiện tốt nghiệp THPT và cũng mất cơ hội xét tuyển ĐH.

GS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường THPT Lương Thế Vinh đánh giá: Tỷ lệ tốt nghiệp năm nay chứng tỏ việc coi thi, chấm thi đã nghiêm túc hơn. Việc giao cho các trường ĐH chủ trì khâu coi thi ít nhiều đã làm cho kỳ thi khách quan hơn, phần nào ngăn ngừa việc các địa phương vì chạy theo thành tích mà buông lỏng kỷ luật. Tính cạnh tranh giữa các TS cũng cao hơn, nên ý thức làm bài tốt hơn, không xảy ra tình trạng gian lận tập thể.

Loại trừ trục trặc do lỗi kỹ thuật, nhìn vào phổ điểm các môn thi, có thể thấy môn ngoại ngữ có phổ điểm "dị" nhất, với khoảng hơn 70 nghìn thí sinh chỉ đạt 2,25 điểm với môn thi tiếng Anh. Giới chuyên gia cho rằng đây là vấn đề mà ngành giáo dục cần phải nghiêm túc xem xét. Có hai giả thiết được đặt ra sau khi số liệu được công bố - đều rất đáng suy nghĩ: Hoặc do đề thi không phù hợp với TS; hoặc, nếu đề thi bảo đảm yêu cầu thì là do trình độ ngoại ngữ của TS quá kém, cần xem lại cách dạy và cách học ở các nhà trường.

Không chần chừ được nữa

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhận định: Kỳ thi đã cơ bản hoàn thành mục tiêu và tạo được niềm tin của người dân đối với quyết tâm đổi mới giáo dục. Việc đánh giá thực chất hơn về chất lượng chắc chắn sẽ góp phần tạo ra những chuyển động trong cách dạy và học trong những năm tiếp theo. Phổ điểm ở các môn thi cho thấy rõ sự phân hóa, trừ đề thi ngoại ngữ.

Điều đáng nói là ngành giáo dục đã mạnh dạn công bố số lượng TS có điểm thấp, cho thấy sự quyết tâm cải thiện chất lượng giáo dục theo hướng thực chất. Đây là những chuyển động tích cực, cần thiết của ngành trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ.

"Bức tranh điểm liệt" được công bố công khai, cho thấy nhiều điều ngoài ý nghĩa khẳng định sự dũng cảm của ngành khi không còn vướng bận với căn bệnh thành tích. Theo ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring, việc công bố cụ thể số lượng HS được điểm 1 hoặc thấp hơn là tiếng chuông cảnh báo tình trạng HS không chịu học. Các nhà trường đã tạo mọi điều kiện tốt nhất, nếu HS lười biếng thì buộc phải kiên quyết, nếu thương mà "đỡ" các em vượt qua thì thật đáng chê trách, và nếu nhiều lần như thế thì chính chúng ta đang làm hại đến tương lai của các em, đến sự phát triển của giáo dục và toàn xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích: Việc đánh giá thực chất sẽ dần loại trừ tình trạng HS không cố gắng học, chỉ trông chờ, ỷ lại vào thầy cô hoặc "phao". Những thay đổi này dự đoán góp phần hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay. Những điều chỉnh trong cách ra đề thi được duy trì vài năm gần đây sẽ buộc các nhà trường phải xem xét, thay đổi cách dạy học, đánh giá theo hướng rèn tư duy, gắn các kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Phương pháp dạy ở các nhà trường đòi hỏi thay đổi theo hướng lấy việc tự học, phát triển tư duy của HS làm nền tảng, chứ không phải dạy theo kiểu "nhai đi nhai lại", học thuộc lòng. Đó là hướng bồi dưỡng năng lực thật cho HS theo mục tiêu của đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Kỳ thi "hai trong một" đã qua đi, tùy vào cách tiếp cận vấn đề để đưa ra đánh giá về mức độ thành công cũng như sự hạn chế. Tuy nhiên, vượt trên tất cả là từ kỳ thi đặc biệt này, chúng ta có thêm căn cứ và động lực để quyết tâm theo đuổi mục tiêu đổi mới GD-ĐT, trước hết là đổi mới tư duy, phương pháp dạy và học…

Thống Nhất