Khó nhất là bỏ tiền vào đâu, sử dụng sao cho hiệu quả
Xã hội - Ngày đăng : 06:31, 26/07/2015
Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Tổng Giám đốc Tô Thị Hạnh để làm rõ những vấn đề nêu trên, cũng như trách nhiệm của Quỹ Đầu tư đối với chiến lược phát triển KT-XH của Thủ đô trong thời gian tới.
Bà Tô Thị Hạnh. |
Trọng trách lớn, sức ép cao
- Những chức năng nhiệm vụ cơ bản của Quỹ Đầu tư đều liên quan tới… đồng tiền. Được thành phố giao quản lý nguồn vốn hoạt động khoảng 2.500 tỷ đồng, bà và cán bộ, nhân viên trong đơn vị thấy thế nào?
- Quả thực đó là một trọng trách nặng nề và sức ép trong công việc đối với chúng tôi rất lớn. Chúng tôi luôn đau đáu một điều là làm sao có thể sử dụng và phát huy hiệu quả cao nhất nguồn vốn nhà nước tại Quỹ Đầu tư, phục vụ các dự án trọng điểm triển khai trên địa bàn thành phố, góp phần tích cực vào quá trình phát triển KT-XH ở Thủ đô.
- Vai trò, vị trí của Quỹ Đầu tư là rất quan trọng bởi doanh nghiệp nào cũng cần tiếp cận nguồn vốn để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vấn đề là bỏ vốn vào đâu, cho doanh nghiệp nào? Liệu điều đó có tạo ra “đặc quyền - đặc lợi” riêng cho Quỹ Đầu tư?
- Không phải chúng tôi cứ có “cảm tình” với doanh nghiệp nào là có thể cho đơn vị đó vay vốn. Như đã nói, Quỹ Đầu tư là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc UBND thành phố, tuy nhiên khi cho vay vốn thì phải bảo đảm theo đúng các điều kiện cho vay tín dụng, theo các quy định và chế tài của pháp luật. Mặt khác, mục tiêu hoạt động của Quỹ là nhằm hỗ trợ phát triển KT-XH của thành phố, do đó sẽ khống chế phạm vi đối tượng được vay vốn ưu đãi với thời gian trung hạn hay dài hạn tùy theo từng loại hình.
- Đúng là ngành tài chính nói chung và Quỹ Đầu tư nói riêng hoạt động luôn phải tuân thủ các nguyên tắc và quy định của pháp luật. Tuy nhiên từ lý thuyết đến hành động lại là một quãng đường. Và thực tế thời gian qua đã có không ít quan chức cấp cao trong ngành ngân hàng dính vào vòng lao lý. Bà nghĩ sao về điều này?
- Thông qua những nhiệm vụ chúng tôi đang triển khai, việc sử dụng vốn nhà nước hiện nay có hai hình thức, đó là cấp phát và cho vay. Ở cả hai hình thức trách nhiệm quản lý của từng vị trí trong quản lý đồng tiền đều rất rõ. Nếu là vốn cấp phát thì chỉ được áp dụng đối với những công trình đã được thẩm định, phê duyệt và được kiểm soát theo đúng quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư. Nếu là vốn cho vay cũng phải thẩm định tính khả thi, hiệu quả kinh tế… từng dự án, tiếp đó là công tác quản lý sau vay, thu hồi nợ vay… rồi đồng hành “cơm nắm muối vừng” với doanh nghiệp tới hết “vòng đời” của dự án. Mỗi hình thức đòi hỏi cách làm khác nhau, nhưng tựu trung lại đều phải có trách nhiệm của từng vị trí công tác. Ai đó làm không hết trách nhiệm, hoặc cố tình vi phạm những quy định, nguyên tắc mang tính chuẩn mực nghề nghiệp thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
- Thưa bà, những năm qua, tỷ lệ nợ xấu của Quỹ Đầu tư là bao nhiêu?
- Chúng tôi chưa để thất thoát một đồng nào trong số vốn thành phố giao, đồng thời bảo đảm việc thu hồi công nợ.
- Để có được kết quả đó chắc chắn công tác thẩm định phải được thực hiện rất chặt chẽ. Nói cách khác là cũng sẽ có những doanh nghiệp tới Quỹ Đầu tư mà không vay được vốn?
- Đúng vậy, có những “khách hàng” sau khi thẩm định đã không đáp ứng được các yêu cầu để vay vốn từ Quỹ Đầu tư.
- Tuy nhiên có một vấn đề, nếu có quá nhiều “khách hàng” không được vay vốn thì tiền nằm trong két, mà đồng tiền không luân chuyển là… “tiền chết”.
- Chúng tôi phải thực hiện đồng thời hai trách nhiệm: quản lý vốn tốt và sử dụng vốn hiệu quả. Được thành phố giao vốn, quản lý vốn tốt nhưng cứ để đồng tiền “nằm chết” trong két cũng là có tội, nhưng sử dụng vốn không hiệu quả sẽ gây thất thoát, không bảo toàn được nguồn vốn và xảy ra nợ xấu. Do vậy, ở đây đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp để tiêu được tiền hợp lý, đúng chỗ và hiệu quả. Quan hệ của chúng tôi với các nhà đầu tư là “có vay - có trả”, chứ không phải là cơ chế “xin - cho”. Chúng tôi rất mong họ tiếp cận được nguồn vốn, thậm chí còn phải tìm hiểu và đi giới thiệu rằng họ đủ điều kiện vay vốn tại Quỹ Đầu tư.
Phục vụ sự phát triển của thành phố
- Thưa bà, xin trở lại với vấn đề đóng góp của Quỹ Đầu tư trong thực hiện Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. Được thành phố giao nhiệm vụ cho vay đầu tư, những dự án trong lĩnh vực nào có thể vay vốn từ Quỹ Đầu tư?
- Các dự án về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông như đường giao thông, đường sắt đô thị, bãi đỗ xe, hạ ngầm cáp điện, hệ thống cấp nước… Các dự án hạ tầng xã hội như xây dựng bệnh viện, trường học… Dự án về môi trường như cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, xử lý rác thải, nước thải… Dự án về nông nghiệp nông thôn như lưới điện nông thôn, cấp nước nông thôn, xây dựng các vùng chuyên canh trồng hoa, rau màu, ứng dụng khoa học kỹ thuật… Và các dự án xây dựng nhà tái định cư, nhà ở cho công nhân thuê, nhà cho người thu nhập thấp…
- Có thể thấy đa phần các dự án nêu trên đều phục vụ an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
- Hiện nay hằng năm chúng tôi được thành phố giao một số nhiệm vụ nhằm đáp ứng yêu cầu chung trong phát triển KT-XH của Thủ đô. Ngoài ra chúng tôi cũng chủ động nghiên cứu, báo cáo thành phố những cách thức đóng góp cụ thể trong việc đáp ứng nguồn lực về vốn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng và các dự án an sinh xã hội. Các dự án nêu trên chủ yếu phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH của thành phố, không đặt mục tiêu kinh doanh (không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận rất thấp). Đặc điểm chung của các dự án này là vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, huy động vốn khó khăn… Trong khi đó, năng lực về vốn để tham gia dự án của các chủ đầu tư rất hạn chế, không đủ năng lực tài chính (nguồn vốn đối ứng). Để dự án có tính khả thi và bảo đảm các quy định bắt buộc trong việc vay vốn, chúng tôi phải thẩm định kỹ dự án và năng lực của các chủ đầu tư. Từ đó phát hiện những khó khăn và tham mưu, đề xuất thành phố có cơ chế, chính sách…
- Liệu ở đây có mâu thuẫn không khi các dự án an sinh xã hội đối tượng hưởng lợi là cộng đồng, các chủ đầu tư ngại vào cuộc, độ rủi ro lớn, việc cho vay vốn có thể dẫn tới thất thoát vốn vì chủ đầu tư không có khả năng trả nợ?
- Các dự án an sinh xã hội có đặc thù là nhất thiết phải có sự hỗ trợ của thành phố như hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ giá, GPMB… Chính vì vậy, trong quá trình xem xét giải quyết cho vay, bên cạnh việc thẩm tra tín dụng theo các quy định hiện hành, chúng tôi phải cùng liên ngành thành phố chủ động thẩm tra, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ hợp lý, bảo đảm cho chủ đầu tư tránh được rủi ro, dự án thực hiện có hiệu quả kinh tế, còn mình thì bảo toàn, thu hồi được vốn.
- Bà có thể cho biết vài con số cụ thể về kết quả hoạt động của Quỹ Đầu tư trong các lĩnh vực nêu trên?
- Hằng năm chúng tôi đã thực hiện quản lý, thẩm tra, kiểm soát thanh toán vốn ủy thác cho đầu tư nhà tái định của thành phố đạt trên dưới 1.000 tỷ đồng, góp phần tích cực vào đẩy nhanh tiến độ hoàn thành bàn giao của các dự án, tạo thêm quỹ nhà tái định cư cho thành phố. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tập trung cho vay các dự án thuộc lĩnh vực thành phố chỉ đạo như cải tạo chung cư cũ; nước sạch đô thị; nước sạch nông thôn; điện; y tế… trung bình mỗi năm giải quyết cho vay khoảng 300-350 tỷ đồng.
Những hướng đi mới
- Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 93/NQ-CP và sau đó tháng 4-2015 UBND thành phố cũng đã có Kế hoạch 106/KH-UBND về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế trên địa bàn Thủ đô; đây là chủ trương lớn liên quan trực tiếp tới việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, Quỹ Đầu tư đã vào cuộc như thế nào, có gặp phải vướng mắc gì không?
- Tới thời điểm này chúng tôi đã phối hợp với liên ngành của thành phố xây dựng quy định hướng dẫn, triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, thông qua Sở Y tế chúng tôi cũng đã trực tiếp làm việc với 9 bệnh viện có nhu cầu vay vốn đầu tư để giới thiệu nguồn vốn vay ưu đãi và quy trình vay vốn tín dụng tại Quỹ Đầu tư, ưu việt hơn rất nhiều so với vay vốn thương mại điển hình là lãi suất cho vay thấp và ổn định, thời gian cho vay dài… Tuy nhiên hiện thành phố chưa có hướng dẫn cụ thể trong thực hiện và các bệnh viện còn đang lúng túng trong khâu lập dự án đầu tư, cơ chế triển khai dự án, lựa chọn mô hình đầu tư…
- Với nguồn vốn được thành phố giao quản lý hiện nay, bà có cho rằng như vậy vẫn còn là chưa đủ với yêu cầu phục vụ quá trình phát triển Thủ đô với hàng loạt mục tiêu đó đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị cũng như triển khai các dự án an sinh xã hội?
- Đúng là nhu cầu của các doanh nghiệp, chủ đầu tư đối với dự án trọng điểm của thành phố trên các lĩnh vực là rất lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách của trung ương và thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 30%. Do đó, một trong những yêu cầu cấp thiết đối với chúng tôi là phải hợp tác, huy động vốn với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước nhằm huy động nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị của thành phố; đồng thời giới thiệu những danh mục, lĩnh vực cần thiết để kêu gọi mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư.
- Các hình thức đầu tư truyền thống đều có những hạn chế nhất định. Cụ thể, vốn ODA sẽ làm phát sinh nợ công; tín dụng trong nước chỉ đóng góp được một phần; năng lực tài chính của các doanh nghiệp trong nước còn yếu, chủ yếu tham gia bằng hình thức BOT, BT bộc lộ những hạn chế do thiếu tính minh bạch… Trong bối cảnh đó, Quỹ Đầu tư đã tham mưu cho thành phố triển khai mô hình hợp tác công - tư (gọi tắt là PPP) là mô hình hợp tác mà Nhà nước cho phép tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các công trình, dịch vụ công cộng. Hiện nay tiến triển có gì khả quan, thưa bà?
- Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, đồng thời phát huy ưu thế về vốn, trình độ quản lý và công nghệ của các đối tác, đặc biệt là những đối tác nước ngoài. Chúng tôi đã lập đề án, đề xuất và tham mưu cho thành phố để ký kết hợp tác với Ngân hàng JBIC của Nhật Bản để hỗ trợ nguồn lực về vốn cho Hà Nội đầu tư vào dự án kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và xã hội thông qua hình thức đầu tư PPP và phương thức vay vốn ưu đãi có bảo lãnh của Chính phủ. Hiện chúng tôi đã được thành phố giao triển khai lập đề xuất dự án tuyến đường sắt số 6 thí điểm (có tổng chiều dài khoảng 48km, nối từ nội đô ra sân bay Nội Bài). Đây là một trong 8 tuyến đường sắt đô thị trong tổng thể mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt. Dự kiến hết quý III-2015, chúng tôi sẽ hoàn thành đề xuất dự án, báo cáo thành phố trình Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư.
- Khi dự án này được triển khai chắc chắn sẽ tạo ra một hướng mới trong việc huy động nguồn vốn cho sự phát triển của thành phố?
- Chúng tôi cũng đang mở rộng nghiên cứu một số dự án khác thuộc lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế của Hà Nội để báo cáo, đề xuất UBND thành phố chỉ đạo triển khai theo hình thức PPP.
- Để Quỹ Đầu tư gặt hái được nhiều kết quả đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố trong thời gian qua không thể không nhắc tới việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ những người làm nghề. Nói một cách ngắn gọn nhất, bài học rút ra ở đây là gì?
- Tôi cho rằng, trước hết phải hiểu rất rõ chức năng nhiệm vụ của mình, bám sát chỉ đạo của thành phố và kết hợp nhiều giải pháp trong xây dựng đội ngũ cán bộ. Cụ thể, làm tốt công tác tuyển dụng và đào tạo, xây dựng được bộ quy trình, quy chế chuẩn và cuối cùng là phải quản lý, giám sát chặt chẽ trong cả 3 giai đoạn là thẩm tra, giải ngân và quản trị cho vay. Những vấn đề đó là không mới nhưng quan trọng là làm chuẩn và hiệu quả thì sẽ có được đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu.
- Cảm ơn bà về những nội dung trao đổi!