“Siêu bão Petrobras” đang tàn phá Brazil
Thế giới - Ngày đăng : 06:54, 25/07/2015
Những bê bối tham nhũng của Tập đoàn Petrobras đang ảnh hưởng tiêu cực đến chính trường Brazil. |
Các nguồn tin của chính phủ thừa nhận nước này đang đứng trước một cuộc khủng hoảng chính trị và thể chế "tồi tệ nhất" khi Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha, lãnh đạo của đảng Phong trào dân chủ Brazil (PMDB) trong liên minh với chính phủ, từ chối hợp tác với tổng thống, đồng thời tuyên bố đứng về phe đối lập. Sự việc xảy ra sau khi một trong số những nghi can bị bắt có liên quan tới vụ tham ô của Petrobras khai ra việc đã trả cho ông E.Cunha một khoản tiền hoa hồng tương đương 3 triệu USD trong một hợp đồng dầu khí. Tuy nhiên, ông E.Cunha bác bỏ hoàn toàn cáo buộc này và cho rằng đây là một âm mưu của chính phủ và Tổng Chưởng lý liên bang Rodrigo Janot. Ông E.Cunha là một trong 50 chính trị gia, nghị sĩ, cựu bộ trưởng và cựu thống đốc bị tố cáo có liên quan tới vụ bê bối của Petrobras.
Trong khi đó, cựu Tổng thống L.Silva (nhiệm kỳ 2003-2010), lãnh tụ đảng Lao động (PT) cầm quyền và là người đỡ đầu cho bà D.Rousseff, cũng tố cáo việc cơ quan tư pháp nước này ngày 16-7 mở cuộc điều tra cáo buộc ông lợi dụng ảnh hưởng chính trị là việc làm "không bình thường và hoàn toàn không có chứng cớ". Vụ lùm xùm nói trên có thể tác động tiêu cực đến sự nghiệp chính trị của ông L.Silva khi đảng PT cầm quyền có ý định chọn ông làm ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2018.
Vụ tham nhũng tại Petrobras bị phanh phui từ tháng 3-2014 sau khi ông Roberto Costa, Giám đốc Cung ứng của tập đoàn này khai báo nhận tiền hối lộ từ mạng lưới rửa tiền quy mô lớn do một số doanh nghiệp xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil cấu kết thành lập. Theo cơ quan điều tra, cho tới nay 16 công ty, trong đó có các công ty xây dựng khổng lồ là Odebrecht và Andrade Gutierrez đã hợp tác để đưa ra giá đấu thầu trong các dự án của Petrobras với sự "hỗ trợ" của lãnh đạo tập đoàn này để tham ô từ 1% tới 3% giá trị các hợp đồng. Đường dây này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức của Petrobras. Tập đoàn này đã mất khoảng 2 tỷ USD trong vụ tham nhũng nói trên.
Tổng thống D.Rousseff đã triệu tập một cuộc họp khẩn thành viên nội các để xem xét các biện pháp chính trị sắp tới. Giới phân tích nhận định, các đảng đối lập ở Brazil đang lợi dụng những vụ bê bối tham nhũng để gây sức ép đòi Tổng thống D.Rousseff từ chức. Tuy nhiên, nữ Tổng thống đầu tiên của Brazil đã loại trừ mọi khả năng rời bỏ chiếc ghế lãnh đạo trước khi nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2018, đồng thời thách thức những nhân vật muốn bà rời nhiệm sở trước thời hạn chứng minh cáo buộc bà có dính líu tới tham nhũng. Bà D.Rousseff từng đảm nhận chức vụ lãnh đạo Petrobras và đến nay không có bằng chứng nào cho thấy bà có liên quan tới vụ tham nhũng quy mô lớn này.
Sự ủng hộ của dư luận đối với Tổng thống D.Rousseff đã tụt dốc sau khi bà bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1-2015. Chỉ có 9% số dân Brazil hài lòng với cách thức bà D.Rousseff dẫn dắt đất nước. Ngoài vụ Petrobras, những khó khăn kinh tế là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới uy tín chính trị của bà D.Rousseff và khiến chính trường nước này chao đảo. Là một trong những quốc gia đang phát triển đầy triển vọng, Brazil từng là câu chuyện kinh tế thành công ở Nam Mỹ nhưng nay phải đối mặt với một cuộc suy thoái được cho là tồi tệ nhất trong vòng 25 năm qua. Các tín hiệu xấu của nền kinh tế, trong đó có việc mất kiểm soát chi tiêu trong năm 2014 đã ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân Brazil. Và việc áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng" có thể làm trầm trọng hơn nữa tình trạng suy thoái. Ngân hàng trung ương Brazil dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm nay sẽ giảm 0,58%, xuống mức thấp kỷ lục trong 20 năm trở lại đây. Trong khi đó, Viện Thống kê quốc gia Brazil (IBGE) cho biết, trong tháng 2-2015, lạm phát của quốc gia Nam Mỹ vào khoảng 7,7%, mức cao nhất trong 9 năm qua. Theo IBGE, giá cả các mặt hàng trong tháng trước đã tăng 1,22%, khiến lạm phát nước này vượt mức trần 6,5% mà Chính phủ Brazil đề ra. Tình trạng đồng real mất giá càng làm gia tăng áp lực đối với giá các ngành dịch vụ như điện thoại, nước, điện, xăng và giá các phương tiện giao thông công cộng.
Không quá khi nói rằng, vụ tham nhũng cực lớn của Petrobras được ví như "siêu bão" bởi sức tàn phá ghê gớm của nó đối với nền kinh tế và chính phủ dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống D.Rousseff. Dưới áp lực của các cáo buộc tham nhũng, các cuộc điều tra có thể khiến Chính phủ của nữ tổng thống này gặp thêm nhiều khó khăn trong lúc bê bối Petrobras vẫn tiếp tục lan rộng.