Dấu hiệu bất ổn của đầu tàu kinh tế khu vực?
Thế giới - Ngày đăng : 06:45, 24/07/2015
Đây là mức yếu nhất của đồng nội tệ Indonesia kể từ tháng 8-1998 đến nay. Việc đồng nội tệ của Indonesia giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 17 năm qua so với đồng USD đã tác động như thế nào đến đời sống của người dân đất nước Vạn đảo? Đây có phải dấu hiệu cho thấy sự bất ổn của nền kinh tế được xem là đầu tàu của khu vực Đông Nam Á (ASEAN) hay không?
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khiến đồng rupiah mất giá. Trên thực tế, rupiah chỉ là một trong những đồng tiền của Đông Nam Á giảm mạnh giữa lúc đồng USD lên giá do những thông tin cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ tăng lãi suất ngay trong tháng 9 tới. Đồn đoán này càng được củng cố khi số liệu công bố ngày 22-7 vừa qua cho thấy, doanh số bán nhà đã qua sử dụng tại nền kinh tế lớn số 1 thế giới trong tháng 6 vừa qua tăng lên mức cao nhất trong hơn 8 năm gần đây.
Trong bối cảnh đó, rupiah giảm giá do tác động khách quan. Song, điều khiến giới chuyên gia kinh tế lo ngại là những thách thức với nền kinh tế của Indonesia lại trở thành nguyên nhân quan trọng khiến đồng nội tệ mất giá so với đồng USD. Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) mới đây đã phải hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay xuống 5% từ ước tính 5,2% trước đó. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng điều chỉnh giảm mức dự báo về tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Indonesia xuống mức 4,7% trong năm 2015 so với ước tính trước đó là 5,2%. Theo Phó Giám đốc quốc gia của ADB tại Indonesia Edimon Ginting, một trong những nguyên nhân dẫn đến điều chỉnh nêu trên là nguồn thu thuế và chi tiêu ngân sách giảm, phần nào đã khiến GDP của Indonesia trong quý I vừa qua chỉ đạt 4,71%, thấp hơn so với dự báo và là mức thấp nhất kể từ năm 2009. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của Indonesia trong những tháng gần đây cũng giảm do đồng rupiah suy yếu và Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) duy trì lãi suất cơ bản ở mức 7,5% kể từ tháng 3 vừa qua. Việc điều chỉnh nêu trên của ADB, WB và IMF được đưa ra trong bối cảnh chính phủ nước này cũng điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng năm 2015 xuống 5,2%, giảm so với mục tiêu ban đầu là 5,8%.
Giữa lúc xuất hiện những dự báo không mấy lạc quan về tăng trưởng của nền kinh tế Indonesia, việc lạm phát tăng quá mạnh trên 7% đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, tác động đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, dự trữ ngoại tệ và tác động tiêu cực đến giá trị của đồng rupiah. Bên cạnh đó, quyết định thực hiện chính sách phải thực hiện các giao dịch bằng đồng nội tệ cũng tác động đến tâm lý nhà đầu tư, gián tiếp gây ra sự mất giá của đồng rupiah. Về lý thuyết, việc đồng tiền nội tệ của một nước mất giá sẽ thúc đẩy xuất khẩu của nước đó. Với Indonesia, dường như đó là một tác động tích cực bởi nó phù hợp với chủ trương và chính sách kinh tế đẩy mạnh xuất khẩu của Chính phủ nước này. Thế nhưng ngược lại, với các mặt hàng nhập khẩu giá cả tăng lên sẽ tác động đến các doanh nghiệp, người tiêu dùng khi sử dụng những mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài.
Việc đồng nội tệ mất giá đang đặt Chính phủ của Tổng thống Joko Widodo trước sự lựa chọn giữa lợi ích thúc đẩy xuất khẩu nhờ việc đồng rupiah suy yếu và một bên là tác động bất lợi từ giá cả hàng hóa nhập khẩu gia tăng. Trong một bước đi mới nhất, BI quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 7,5% trong tháng thứ năm liên tiếp bất chấp việc đồng nội tệ đang giảm giá nghiêm trọng và nguy cơ lạm phát cao hơn vào những tháng tới. Tuy nhiên, đã có những đồn đoán rằng BI có thể sẽ can thiệp để bảo vệ đồng tiền này vì một đồng tiền quá yếu cũng sẽ ảnh hưởng tới uy tín của nền kinh tế Indonesia.