Ôm rơm rặm bụng!
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:58, 24/07/2015
Cần nhắc lại rằng, 2015 là năm đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia tổ chức với ba mục đích: Xét tốt nghiệp THPT; xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ và chỉ thi ĐH, CĐ (với học sinh tốt nghiệp trước năm 2015). Thế nhưng các "cửa" xem điểm thông qua hai trang web của Bộ GD-ĐT là http://thi.moet.gov.vn và http://moet.gov.vn đều tê liệt vì... quá tải. Trang web của 8 trường ĐH được Bộ GD-ĐT phân quyền cũng trong tình trạng tương tự, may mắn thì chập chờn, lúc vào được lúc không.
Điều đáng lưu ý là tình trạng nghẽn mạng được dự báo từ trước đó khi Bộ GD-ĐT "ôm" quyền công bố điểm thi của tất cả các cụm thi trên cả nước. Các chuyên gia lo ngại rằng, tình trạng "vỡ" máy chủ vì lượng truy cập đột biến chắc chắn xảy ra với cách làm của Bộ GD-ĐT. Và, chuyện gì đến đã đến!
Nhưng cũng rất khó hiểu khi trả lời phỏng vấn (được nhiều tờ báo dẫn lại) ngày 23-7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga sau khi lý giải những lý do Bộ này giữ quyền công bố điểm thi, cho rằng: Trang tra cứu của Bộ GD-ĐT đã tính toán là cùng một lúc khoảng 60.000 người truy cập thì có thể chịu tải, vượt quá thì sẽ phát sinh các vấn đề kỹ thuật. Về mặt lý thuyết hoàn toàn có thể tăng dung lượng truy cập bằng cách nâng cấp máy chủ, nhưng điều đó không cần thiết vì đầu tư rất lớn mà chỉ sử dụng trong thời gian ngắn...
Sau đó, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định:
Việc nghẽn mạng khi số người truy cập lớn là chuyện bình thường!
Không đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ một thời điểm có thể xem là một giải pháp tiết kiệm. Tuy nhiên, với hàng triệu thí sinh cùng gia đình, sự "bình thường" đó có điều gì đó không bình thường. Nói vậy là vì có đặt mình vào tâm thế người đi thi và phụ huynh của họ thì mới hiểu sự mong ngóng sớm được biết kết quả bước đầu của 12 năm "dùi mài kinh sử", là cánh cửa vào đời của cả triệu thí sinh và gia đình họ lớn và chính đáng nhường nào. Trong khi đó, bài học về sự "độc quyền" xảy ra từ năm 2002 dường như chưa được Bộ GD-ĐT nhìn nhận đúng. Năm đó, lần đầu tiên cả nước thực hiện kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương thức "chung đề, chung kết quả thi, chung đợt thi và ngày thi", sự cố đã xảy ra. Vì sau khi Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin có điểm thi và nêu địa chỉ website công bố điểm, lượng truy cập ồ ạt khiến chỉ 10 phút sau toàn bộ hệ thống bị sập, ngày hôm sau mới khắc phục được…
Rõ ràng, trước những bất cập trên, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Tại sao Bộ GD-ĐT không làm nhiệm vụ tập trung điểm thi về để kiểm tra sai sót và quản lý, rồi sau đó trả về cho các cụm thi công bố kết quả của cụm mình trên trang web của trường ĐH hay sở GD-ĐT. Lúc đó, các trang web của Bộ này chỉ làm nhiệm vụ kiểm chứng thì "nhiệm vụ" sẽ nhẹ nhàng hơn, tránh nhiêu khê cho thí sinh và gia đình?
Sự kỳ vọng của xã hội với ngành giáo dục là không ngừng nghỉ và ngày càng cao hơn. Cách đây 9 năm, có dịp trao đổi với cố GS Nguyễn Văn Đạo (nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội), ông có nói một điều khiến người viết nhớ mãi: Bộ GD-ĐT không nên là Ban Giám hiệu của các trường ĐH, mà cần là nơi đề ra quy chế, hướng dẫn thực hiện các chính sách nhà nước và làm công việc hậu kiểm xem các trường, cơ sở đào tạo có làm trái quy định hay không. Ranh giới giữa công việc các trường và quản lý của Bộ GD-ĐT đã rất rõ. Tại sao Bộ lại ôm đồm quá nhiều chuyện thuộc trách nhiệm của nhà trường.
Có ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT sợ khi "buông ra" thì các trường sẽ "làm bậy". Nhưng thực tế thì Bộ, dù có tăng nhân lực gấp vài lần hiện nay thì cũng sẽ không thể "bao sân" được. Ngành giáo dục của ta chỉ có thể phát triển tốt khi huy động được sức mạnh của toàn ngành, của tất cả các trường ĐH, CĐ… Đây là những nhận xét rất đáng suy nghĩ và còn nguyên ý nghĩa thời sự.
Kỳ thi THPT quốc gia 2015 mới qua chặng đường đầu, căn cứ vào điểm thi vừa công bố, thí sinh mới có thể làm hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Hy vọng câu chuyện "độc quyền" công bố điểm trúng tuyển vào các trường sẽ không tái diễn.