Dự thảo điều lệ trường tiểu học: Băn khoăn từ nhiều phía
Giáo dục - Ngày đăng : 06:44, 23/07/2015
Một trong những đề tài "nóng" trong câu chuyện của các phụ huynh trong những ngày qua là chuyện sắp tới đây, chức danh "lớp trưởng" sẽ không còn nữa, được thay thế bằng chức danh thoạt nghe có phần hoành tráng hơn, là "chủ tịch hội đồng tự quản". Theo đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT, chức danh mới là nhằm "đề cao trách nhiệm, sự chủ động và tính dân chủ trong học tập của học sinh (HS)". Ngoài ra, trong lớp học còn xuất hiện những chức danh khá mới mẻ là trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký… Những chức danh này do HS bầu ra hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Ngay khi được ban hành, nhiều trường học đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc bầu, tranh cử đối với các chức danh… Hầu hết ý kiến đều thể hiện thái độ "dị ứng" với các chức danh này, cho rằng cơ cấu lớp học quá cồng kềnh, cách làm như vậy có thể đi ngược lại với mong muốn của ban soạn thảo, sớm tạo thói "háo danh" ở lứa tuổi còn trong sáng, ngây thơ.
Một giờ học tại Trường Tiểu học Khánh Thượng. Ảnh: Bảo Lâm |
Vì đâu có sự xuất hiện của những khái niệm nói trên? Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Chức danh chủ tịch hội đồng tự quản thay cho lớp trưởng đã được sử dụng từ cách đây ba năm ở những trường áp dụng "Mô hình trường học mới Việt Nam". Hiện có 1.500 trường áp dụng mô hình này, dự kiến sẽ tăng lên 3.700 trường vào năm học mới. Việc thành lập hội đồng tự quản là một biện pháp để giúp HS phát huy quyền làm chủ trong học tập, tham gia các hoạt động giáo dục, tạo cơ hội cho HS rèn kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tham gia, hợp tác.
Phía phụ huynh học sinh và một số nhà quản lý giáo dục thể hiện sự trăn trở, lo lắng. Chị Nguyễn Thu Anh, phụ huynh HS Trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) cho rằng điều lệ nhà trường nên dùng những khái niệm mang tính phổ thông. HS tiểu học còn quá nhỏ, chưa hiểu hết chức năng được giao, có thể sẽ không làm đúng những gì thuộc phạm vi cần làm, được làm. Đã có HS, khi làm lớp trưởng đã tự cho mình quyền được sai bảo, phạt các bạn bằng roi vọt, nay với chức danh chủ tịch nghe qua đã thấy... to tát quá, e rằng khó kiểm soát hành vi. Ngoài ra, mô hình trường học mới vẫn đang ở giai đoạn thí điểm, không phải nơi nào cũng thực hiện được, vì vậy nên giữ ổn định các chức danh như hiện nay, nơi nào áp dụng mô hình trường học mới thì có thể sử dụng chức danh mới, tránh xáo trộn không cần thiết. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, sự e ngại của phụ huynh là có cơ sở bởi nếu gắn trọng trách chủ tịch, phó chủ tịch cho những đứa trẻ mới 6-7 tuổi e rằng khiến các em khó hiểu, khó thực hiện nhiệm vụ.
Về quy định sĩ số 35 HS/lớp tại dự thảo điều lệ trường tiểu học, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cho rằng, sĩ số này phù hợp với yêu cầu dạy học theo chương trình hiện hành và việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục tối thiểu. Ở nước ta, tại nhiều trường, sĩ số tối đa chỉ 35 HS/lớp, thậm chí thấp hơn, nhưng cũng có nơi lại cao hơn. Tại những nơi có áp lực về quy mô HS, Bộ GD-ĐT yêu cầu ngành GD-ĐT địa phương phải có giải pháp tăng cường cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới trường học và các điều kiện cần thiết để hướng tới quy định này. |
Giáo viên bị hạ chuẩn?
Một nội dung khác trong dự thảo điều lệ trường tiểu học đang được công bố khiến dư luận lo ngại là chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên quá thấp, chỉ ở mức trung cấp sư phạm. Một số ý kiến cho rằng, trong khi yêu cầu nhiệm vụ của giáo dục tiểu học ngày càng tăng, mục tiêu về chất lượng giáo dục cũng cao hơn, mức chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên như vậy là lỗi thời, không bảo đảm chất lượng giáo dục.
Có phải là giáo viên tiểu học đã bị hạ chuẩn hay không? Và đó có phải là mức độ yêu cầu quá lạc hậu trong điều kiện hiện nay? Trước nỗi băn khoăn này, một thành viên ban soạn thảo của Bộ GD-ĐT cho rằng: Điều lệ trường tiểu học áp dụng cho hàng chục nghìn trường trên toàn quốc, ở nhiều địa bàn khác nhau, có nơi thuận lợi, nơi khó khăn, không thể căn cứ vào thực tế của một vài nơi để tạo thước đo cho nơi khác. Hơn nữa, Bộ GD-ĐT chỉ quy định trình độ theo yêu cầu tối thiểu cần đạt đối với giáo viên. Điều lệ trường tiểu học hiện hành cũng đang sử dụng mức chuẩn này và thực tế cho thấy là phù hợp, bởi hiện vẫn còn nhiều trường ở địa bàn hẻo lánh gặp khó khăn về nhân lực.
Vậy, tình hình ở những thành phố lớn thì sao? Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, để đạt tỷ lệ 100% giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn như hiện nay, Hà Nội đã phải nỗ lực rất nhiều, nhất là từ khi mở rộng địa giới hành chính, có nhiều trường ở khu vực miền núi, vùng sâu rất khó khăn. Có trường khu vực miền núi trước khi hợp nhất chỉ đạt tỷ lệ 50-60% giáo viên đạt chuẩn. Yêu cầu trình độ trung cấp sư phạm không phải là thấp mà nên coi là mức tối thiểu để các địa phương căn cứ vào đó mà phấn đấu. Hiện nay, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội và Cao đẳng Sư phạm Hà Tây vẫn có chỉ tiêu dành cho hệ trung cấp hằng năm, thể hiện nhu cầu đào tạo hệ này vẫn còn.
Bản dự thảo hiện vẫn trong thời gian tiếp thu ý kiến góp ý, hạn cuối vào ngày 25-7-2015. Những phản hồi, dù theo chiều hướng nào, đều thể hiện sự quan tâm tới sự phát triển của con trẻ ở cấp học nền tảng. Điều ấy đòi hỏi sự tiếp thu nghiêm túc và cân nhắc kỹ càng.