Xây dựng đường sắt đô thị tại TP HCM: Vì sao tổng đầu tư tăng vọt?

Kinh tế - Ngày đăng : 06:42, 22/07/2015

(HNM) - Dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị (Metro) TP Hồ Chí Minh tiếp tục bị đội vốn lên cao.


Đội vốn liên tục

Theo báo cáo mới nhất của chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, dự án xây dựng tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hiện có tổng mức đầu tư hơn 54.000 tỷ đồng. Như vậy, dự án này tiếp tục bị đội vốn lần 2, bởi theo quyết định được duyệt ban đầu năm 2007, tổng mức đầu tư cho công trình này là gần 1,1 tỷ USD (tương đương 17.387 tỷ đồng). Tới năm 2011, dự án tiếp tục được điều chỉnh vốn lên gần 2,5 tỷ USD (tương đương 47.325 tỷ đồng). Tương tự, dự án xây dựng tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), ban đầu được phê duyệt với tổng mức vốn gần 1,4 tỷ USD, hiện đã tăng lên 60% so với ban đầu (hơn 2,1 tỷ USD).

Dự án xây dựng tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tiếp tục bị đội vốn lần 2.


Theo ông Lê Khắc Huỳnh, Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân tăng vốn do thiết kế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu và UBND TP Hồ Chí Minh đã cập nhật lại mức đầu tư theo quy định hiện hành như: Tăng lương tối thiểu, biến động về tỷ giá, về giá nguyên vật liệu... Đồng thời, chủ đầu tư cũng phải điều chỉnh thiết kế dẫn đến tăng khối lượng trong các hạng mục thiết kế. Ngoài ra, do những thay đổi về chính sách tiền lương trong nước và tỷ giá ngoại tệ.

Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông, đối với ngành xây dựng cơ bản, trung bình mỗi năm sẽ bị trượt giá từ 5% đến 10%, cộng với tỷ giá thay đổi liên tục sẽ làm cho tổng mức đầu tư tăng cao. Vì vậy, trước bức xúc đội vốn của các dự án trên, đặc biệt tuyến Metro thứ 2, ông Đông khẳng định, Bộ GT-VT đề nghị sẽ có báo cáo chung trong những dự án Metro đang vướng mắc của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, để từ đó xin cơ chế thi công theo kế hoạch đề ra. Bởi nếu chậm ngày nào thì vốn đội lên quá lớn.

"Vênh" khung cơ chế, chính sách

Nhưng không chỉ vấn đề đội vốn làm "toát mồ hôi" người quản lý. Trao đổi với Báo Hànộimới, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, tuyến Metro số 1 đã có mặt bằng sạch và đang thi công bảo đảm tiến độ đề ra. Thế nhưng, cũng theo ông Cường, để có mặt bằng như hiện nay thì trước đó chủ đầu tư đã phải chờ đợi gần nửa năm. Cụ thể, cuối tháng 3 vừa qua, Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ Vĩnh Phát (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) mới bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, với diện tích gần 2ha, chậm 6 tháng so với yêu cầu.

Từ thực tế này, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín cho rằng, điều này do liên quan đến khung chính sách. Theo ông Tín, khi một dự án đi qua nhiều địa phương với khung chính sách khác nhau mà không có sự thống nhất và chỉ đạo của Chính phủ thì sẽ rất khó giải quyết các vấn đề liên quan. Để minh chứng cho điều này, ông Tín nêu rõ, chỉ vì vướng mặt bằng tại một doanh nghiệp tỉnh Bình Dương mà mất nhiều tháng liền họp lên, họp xuống, phối hợp giữa chính quyền hai địa phương thì mới có mặt bằng sạch. Rõ ràng, khung chính sách của TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương có nhiều điểm cần xem xét lại, nhất là cơ chế phối hợp.

Cũng theo ông Tín, đáng lưu tâm hiện nay nữa là nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách chưa phù hợp với những dạng "siêu dự án" như thế này, đặc biệt có nguồn vốn vay nước ngoài. Cụ thể, có những quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của nhà tài trợ khác nhau, từ đó để tìm ra biện pháp giải quyết đòi hỏi sự nỗ lực lớn và phối hợp đồng bộ giữa cơ quan liên quan. "Không lẽ suốt ngày chúng ta cứ đi xử lý các tình huống như thế này. Cho nên vấn đề khung chính sách này phải xem xét thấu đáo để xử lý những dạng công trình này", ông Tín nêu rõ và kiến nghị Chính phủ cho phép TP Hồ Chí Minh có cơ chế riêng để linh hoạt giải quyết các vướng mắc tương tự.

Mới đây, Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc xây dựng các tuyến Metro. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lo ngại, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là tuyến Metro số 2 nếu không thi công sớm thì tổng mức đầu tư sẽ tăng vọt.

Liên quan đến khung chính sách, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ vướng mắc để thực hiện theo đúng tiến độ đề ra. "Đối với khung chính sách về đất đai, giải phóng mặt bằng, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan đầu mối để chủ động phối hợp với chính quyền các tỉnh, thành phố, giải quyết nhanh chóng và dứt điểm, tạo mặt bằng sạch cho dự án", Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý.

Hà Phạm