Chống buôn lậu: "Cuộc chiến" vẫn cam go

Kinh tế - Ngày đăng : 07:19, 21/07/2015

(HNM) - 95.832 vụ vi phạm là kết quả mà các lực lượng chống buôn lậu đã phát hiện, bắt giữ và xử lý trong 6 tháng qua. Tổng thu nộp ngân sách từ xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt hơn 4.363 tỷ đồng.


Cơ quan chức năng cũng đã khởi tố 699 vụ án với 819 đối tượng. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp và phương thức ngày càng tinh vi của các đối tượng buôn lậu cho thấy cuộc chiến chống buôn lậu vẫn rất cam go.

Diễn biến phức tạp

Thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, nhất là đối với những mặt hàng trọng điểm như ma túy, pháo, rượu, bia, thuốc lá điếu, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, quần áo, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng các loại… Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu rất tinh vi, luôn thay đổi. Các đối tượng này thường lợi dụng địa hình đường biên kéo dài, hiểm trở, nhiều khu vực xa xôi, hẻo lánh khó quản lý, tiếp cận, để tập kết hàng hóa sau đó chia nhỏ hàng hóa đem đi tiêu thụ; gắn trách nhiệm vật chất đối với người được thuê vận chuyển hàng lậu.

Tinh vi hơn, các đầu nậu lợi dụng chính sách ưu đãi để mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn, chứng từ nhằm hợp thức hóa nguồn gốc hàng lậu; lợi dụng các chính sách ưu đãi tại các khu kinh tế cửa khẩu, định mức miễn thuế của hàng hóa trao đổi cư dân biên giới; lợi dụng tạm nhập tái xuất, gia công đầu tư, hoàn thuế VAT đối với hàng xuất khẩu; gian lận trong khai báo hải quan, thủ tục hải quan điện tử…

Cơ quan chức năng khám xét, bắt giữ hàng lậu tại phường Hải Hòa, TP Móng Cái, Quảng Ninh. Ảnh: Giang Long


Trung tuần tháng 7-2015, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (Công an TP Hồ Chí Minh), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã đồng loạt kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, phát hiện gần 10 tấn mỹ phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng bao bì ghi xuất xứ từ các nước Pháp, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Toàn bộ số hàng được nhập khẩu qua biên giới Lũng Vài, tỉnh Lạng Sơn về ga Hà Nội, giao cho đầu nậu vận chuyển bằng đường sắt vào TP Hồ Chí Minh tập kết để phân phối cho các tiệm Spa trên địa bàn. Trước đó, Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Ba Đình, Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông số 1 và Đội Quản lý thị trường số 13 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra, bắt giữ 12.000 bao thuốc lá điếu các loại do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, không dán tem nhập khẩu…

Triệt cửa "bắt tay" với buôn lậu

Chỉ trong vòng 6 tháng qua, các lực lượng chống buôn lậu đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 95.832 vụ vi phạm (tăng 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái); tổng thu nộp ngân sách từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt hơn 4.363 tỷ đồng (tăng 6,6%); khởi tố 699 vụ án với 819 đối tượng. Số vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý tăng hơn 33,9% cho thấy các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe đối với tội phạm trong lĩnh vực này.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, diễn ra vào trung tuần tháng 7-2015, đại diện các bộ, ngành, địa phương kiến nghị, cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về pháp luật, chế độ, chính sách đang bị các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như chính sách ưu đãi đối với hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới, ưu đãi về thuế đối với khu kinh tế cửa khẩu, quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất…

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 41/NQ-CP về đẩy mạnh công tác chống buôn lậu; luân chuyển cán bộ để hạn chế việc "bắt tay" với buôn lậu; tăng cường thanh, kiểm tra, xây dựng biện pháp nghiệp vụ chống lại việc dung túng, bảo kê cho buôn lậu; đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động trên các phương tiện truyền thông về chống buôn lậu trong các tầng lớp nhân dân; tiếp tục cải cách hành chính và môi trường đầu tư để minh bạch hóa, chuyên nghiệp hóa nhằm hạn chế tham nhũng, tiêu cực...

Thanh Hiền