Còn sim ”rác”, còn tin nhắn ”rác”

Xe++ - Ngày đăng : 06:38, 20/07/2015

(HNM) - Tình trạng tin nhắn


Theo thống kê của Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay, Sở đã yêu cầu tạm ngừng cung cấp dịch vụ hơn 920 số điện thoại quảng cáo, rao vặt sai quy định. Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn Hà Nội cũng thực hiện ngăn chặn 213.591 thuê bao phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.

Còn người sử dụng tự thống kê, bình quân mỗi thuê bao di động, mỗi ngày nhận được 3-5 tin nhắn "rác", nhiều nhất là rao bán số điện thoại và rao bán nhà. Nếu là thuê bao có số đẹp, số lượng tin nhắn rác nhận được sẽ nhiều hơn.

Rất nhiều giải pháp ngăn chặn tin nhắn rác được đưa ra, từ chỉ thị, kế hoạch của cơ quan quản lý đến việc đơn vị viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ, rồi phạt hành chính... Thậm chí, dự kiến còn áp dụng cả hạn mức nhắn tin cho mỗi thuê bao.

Nhưng, tin nhắn "rác" vẫn hoành hành. Vì sao vậy? Câu trả lời rất đơn giản, chừng nào còn sim "rác" chừng đó còn tin nhắn "rác".

Bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, chỉ với vài chục nghìn đồng, có thể dễ dàng mua sim điện thoại mà trong tài khoản có sẵn vài chục nghìn đồng. Với sim "rác" và một phần mềm phát tán tin nhắn "rác", người sử dụng có thể ngồi một chỗ gửi đi hàng trăm tin nhắn đến các thuê bao khác chỉ bằng vài thao tác đơn giản.

Nhiều giải pháp đưa ra nhưng tin nhắn "rác" không được ngăn chặn hiệu quả do chưa quản lý, ngăn chặn từ gốc. Có vẻ như nhà mạng đặt doanh thu, lợi nhuận lên trên, nên việc bán sim số điện thoại quá dễ dàng.

Còn quy định như phải đăng ký tên, số chứng minh thư nhân dân khi kích hoạt sim mới bị buông lỏng. Tình trạng sim đã đăng ký, kích hoạt bán tràn lan, không cần chính chủ cũng có thể sử dụng thoải mái. Vậy nên, muốn ngăn chặn tin nhắn "rác" có lẽ nên bắt đầu từ ngăn chặn sim "rác".

Kính Lúp