Vàng, dầu giảm giá: Không chỉ giới đầu tư đau đầu
Kinh tế - Ngày đăng : 08:25, 19/07/2015
Đồng hành với vàng, giá dầu thô cũng một tuần liên tục đi xuống khiến nhiều quốc gia xuất khẩu "vàng đen" như "ngồi trên đống lửa". Giá vàng quốc tế đã giảm về gần mức đáy của 8 tháng và một số dự báo cho rằng có thể giảm xuống ngưỡng sâu hơn. Trên thị trường thế giới ngày 18-7, giá vàng những giờ qua tiếp tục giảm thêm 1% so với phiên giao dịch trước, tương đương 1.131,9 USD/ounce (0,83 lượng). Như vậy, so với mức đỉnh vào tháng 1, giá vàng thế giới hiện đã giảm hơn 12%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự trượt dốc của giá vàng. Lý do trước hết phải kể đến là triển vọng sáng sủa của nền kinh tế Mỹ trong thời gian từ nay tới cuối năm. Đây là động lực chính để mở đường cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và xu hướng tăng của tỷ giá đồng USD. Theo quy luật của thị trường, khi giá trị đồng USD tăng, vàng đương nhiên sẽ không còn là kênh trú ẩn duy nhất của các nhà đầu tư. Nói một cách cụ thể hơn, "nạn nhân" lớn nhất do FED tăng lãi suất là vàng. Theo kinh nghiệm của các nhà đầu tư, đây mới chỉ là sự mở đầu cho một đợt sụt giá lớn của kim loại quý này.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, giá vàng đã phá vỡ một xu hướng then chốt duy trì suốt từ năm 2001. Theo đó, ngưỡng 1.140 USD/ounce được xem như ngưỡng hỗ trợ sống còn. "Chọc thủng đáy" này, giá vàng sẽ hạ dần về dưới ngưỡng trung bình của 200 tuần là mức 805 USD/ounce. Như vậy, rất có thể sẽ xảy ra một đợt bán tháo vàng trong thời gian tới cho dù nhiều nhà đầu tư có thể sẽ chịu thiệt hại nặng nề.
Nhiều nhà đầu tư chịu thiệt hại nặng nề khi giá vàng lao dốc. |
"Theo chân" giá vàng, dầu mỏ cũng kết thúc phiên giao dịch ngày 17-7 với mức sụt giảm gần 4% trong tuần, đánh dấu một mức giá thấp nhất trong vòng hơn 3 tháng qua. Trong phiên, giá dầu đã có những lúc chạm gần mốc 50 USD/thùng do những áp lực về dư thừa nguồn cung cùng với việc mạnh lên của đồng USD. Đà sụt giảm này chỉ được khống chế sau khi báo cáo hằng tuần của Baker Hughes cho biết lượng giàn khoan hoạt động ở Mỹ đã sụt giảm. Tuy nhiên, mức giá chốt phiên vẫn giảm 0,2%, tức ở mức 50,78 USD/thùng.
Đã rõ yếu tố chính tác động đến giá dầu trong tuần là do các nhà đầu tư lo ngại nguồn cung toàn cầu sẽ dư thừa hơn nữa sau khi Iran, quốc gia có trữ lượng dầu lớn thứ tư thế giới, đạt được thỏa thuận với Nhóm P5+1 (gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Là tin tốt với người tiêu dùng, song sự đi xuống của giá dầu sẽ khiến cho nhiều quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào sản lượng xuất khẩu dầu mỏ điêu đứng. Nga - quốc gia đang phải vật lộn với đà suy thoái sâu do các lệnh trừng phạt của phương Tây - là một ví dụ. Ước tính, giá dầu giảm 1 USD đồng nghĩa với ngân sách Nga sẽ mất 2 tỷ USD/năm.
Thời gian gần đây, Mátxcơva khẳng định đã vượt qua giai đoạn bất ổn nhất của kinh tế, song nếu đà rớt giá dầu không dừng, chắc chắn, xứ Bạch dương sẽ đối mặt với không ít khó khăn. Còn với Venezuela, quốc gia Nam Mỹ có tới 95% nguồn thu ngân sách trông vào xuất khẩu dầu lửa, nguy cơ vỡ nợ đang hiện rõ. Theo hãng Bloomberg, sự sụt dốc của giá dầu cũng đã khiến đồng bolivar của Venezuela rớt giá chóng mặt, lạm phát vọt lên mức cao nhất thế giới và hàng hóa trở nên khan hiếm.
Gần 7 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát, nền kinh tế thế giới vẫn chưa hết bất ổn. Những nguy cơ tiềm ẩn từ sự trồi sụt thất thường của giá vàng và dầu lửa trong tuần cộng với cú chao đảo đáng lo ngại của thị trường chứng khoán Trung Quốc và sự yếu kém của nền kinh tế Hy Lạp... sẽ còn khiến các nhà đầu tư và lãnh đạo nhiều quốc gia đau đầu trong thời gian tới.