Đơn giản đó là lẽ phải!

Văn hóa - Ngày đăng : 07:53, 19/07/2015

(HNM) - Một chuyện hy hữu vừa xảy ra tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, ấy là có đại biểu phát hiện một lão dịch giả… ngất xỉu. Các nhà văn vội xúm lại định đưa cụ đi cấp cứu, nhưng đang ồn ào lo lắng thì cụ tỉnh. Thong thả, cụ bảo, đại ý các cậu tranh luận, bầu bán lâu quá, tớ mệt, nằm nghỉ tí!


Chuyện lo lắng rồi thành ra chuyện vui. Ai cũng hiểu với một người ở tuổi 80 thì mệt mỏi là chuyện thường và những "trường kỳ tranh luận" và thủ tục đại hội rất dễ khiến các cụ quá sức. Tò mò, tìm hiểu, mới biết cụ vừa là nhà văn vừa là dịch giả của khoảng hơn 50 tác phẩm văn học, triết học, sử học… của một nền văn học lớn trên thế giới.

Bỗng nghĩ, hình như các dịch giả đều thế, lặng lẽ và đến là hồn nhiên trong khi lao động cũng đầy nhọc nhằn. Rồi lại nghĩ, không phải không có lý khi một trong những kiến nghị quan trọng được chú ý đặc biệt trong dịp đại hội vừa qua chính là "đưa văn học dịch và dịch giả văn học vào phạm vi điều chỉnh của Quy định Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật". Quả là, đề xuất này nhắc nhở ta về một khoảng trống lớn đối với văn học dịch và dịch giả văn học trong ghi nhận đóng góp của những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Đã có một thời, ta sống với lý tưởng trong "Thời thơ ấu gian khổ", "Thép đã tôi thế đấy" của văn học Nga; hay đau khổ, lãng mạn với "Cuốn theo chiều gió" của văn học Mỹ và hàng loạt những tác phẩm văn học dịch nổi tiếng khác. Nhưng đa số biết đến dịch phẩm mà ít khi để ý đến dịch giả. Thậm chí, khi ta có điều kiện tôn vinh thì nhiều người trong số họ, như dịch giả Nguyễn Trung Đức - người mang những mới mẻ của nền văn học Mỹ La tinh cập bến Việt Nam với những dịch phẩm "Tình yêu thời thổ tả", "Trăm năm cô đơn"... đã không còn nữa.

Nói về dịch văn học cũng không chỉ là vấn đề đưa văn học thế giới vào Việt Nam mà tới đây, một nhiệm vụ quan trọng nữa là đưa văn học Việt ra thế giới… Vì thế, tôn vinh dịch giả có nhiều cống hiến thực sự là việc rất nên làm. Đơn giản vì đó là lẽ công bằng!

Người Lái Đò