Hành trình tìm hạnh phúc của những phụ nữ hiếm muộn (bài 1)

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:24, 19/07/2015

(HNM) - LTS: Khoa học đã chứng minh, nguyên nhân dẫn đến vô sinh: 30% do nữ, 30% do nam, 10% do cả hai và số còn lại không rõ lý do.


Thế nhưng, gánh nặng vẫn đè trĩu lên vai người phụ nữ bởi quan niệm "gái độc không con". Để trọn đạo làm dâu, làm vợ, nhiều phụ nữ âm thầm đi chữa hiếm muộn, có người sinh được con sau khi tiêu tốn cả gia sản, nhưng cũng không ít người ngậm ngùi tủi phận...

Trước những định kiến hẹp hòi, nhiều phụ nữ đã chấp nhận đơn độc trong hành trình để được thực hiện thiên chức làm mẹ. Để rồi, khi con cất tiếng khóc chào đời, nước mắt người mẹ lại tuôn tràn...

Định kiến đè nặng vai gầy

"Xóm hiếm muộn" nằm trong con hẻm đường Cống Quỳnh (Quận 1 - TP Hồ Chí Minh), ngay sau lưng Bệnh viện Từ Dũ. Xác định điều trị hiếm muộn không phải chuyện ngày một, ngày hai nên nhiều cặp vợ chồng chọn chỗ ở trọ gần bệnh viện để tiện việc điều trị, dần dần thành "xóm".

Không khó để nhận ra "xóm hiếm muộn" bởi hai bên đường chi chít biển quảng cáo cho thuê phòng. Chúng tôi bước chân đến đầu hẻm, một bà hàng nước chạy ra đon đả: "Con có phòng chưa, vào ở nhà dì Sáu đi, dì nuôi mát tay lắm. Vợ chồng hiếm muộn nào đến ở với dì Sáu là có thai hết à!". Người đàn bà nắm tay, kéo tôi vào một căn phòng rộng chừng 12m2, kê 4 chiếc giường tầng dành cho 4 cặp vợ chồng.

Dãy nhà trọ có 6 phòng với gần 20 phụ nữ đang tá túc. Dì Sáu xếp tôi ở chung phòng với 2 phụ nữ, đều ngoài 35 tuổi. Một chị dáng người cao, xinh xắn tên N.T.Hoa ở Hà Nội, đã chữa hiếm muộn 3 năm nhưng vẫn chưa có tin vui. Gom góp tiền bạc, thực hiện nhiều ca thụ tinh trong ống nghiệm (TTÔN) tại Hà Nội nhưng thất bại nên chị Hoa phải xin nghỉ 6 tháng không lương lặn lội vào Nam chạy vạy tìm thầy thuốc.

Mỗi ngày Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận 250-300 cặp vợ chồng khám hiếm muộn.


Người phụ nữ thứ hai, dáng người đẫy đà, tên là L.T.Hợp ở Thái Nguyên. Lấy chồng 7 năm thì mất 5 năm chị phải đi tới đi lui các phòng khám sản, rồi bệnh viện phụ sản tại Hà Nội; xét nghiệm đủ đường nhưng bác sĩ vẫn chưa tìm được lý do vô sinh. Sau Tết Ất Mùi 2015, họ hàng nhà chồng "mặt nặng, mày nhẹ" đòi cháu bế bồng, chị Hợp lặng lẽ vào đây tìm thầy thuốc. Trong căn phòng, hai người đàn bà lọt thỏm giữa đống đồ đạc bao vây.

Xóm vắng bóng đàn ông, căn phòng có những chiếc giường tầng của dì Sáu thiết kế cho các cặp vợ chồng, thế nhưng đa số là chị em thuê ở cùng nhau. Nhiều trường hợp vì điều kiện kinh tế, người chồng phải để vợ ở lại một mình để về quê mưu sinh, cũng có người không một lần trở lại thăm vợ. Những người phụ nữ "thắt lưng, buộc bụng" sống trong cảnh xa nhà, nỗi khắc khoải dài thêm khi bác sĩ thông báo chưa thể chuyển phôi vào tử cung. Quan niệm xã hội, áp lực gia đình đè nặng lên vai những người phụ nữ hiếm muộn.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết: "Khoa học đã chứng minh, nguyên nhân vô sinh 30% do nữ, 30% do nam, 10% do cả hai và số còn lại không rõ lý do. Có nghĩa nguyên nhân dẫn đến vô sinh là bình đẳng về mặt khoa học, nhưng về góc độ xã hội lại rất bất bình đẳng, người phụ nữ chịu nhiều áp lực bởi chuyện muộn đường sinh nở". Khi bác sĩ tìm ra nguyên nhân từ phía chồng thì người vợ rất chăm chút, chia sẻ khó khăn để cả hai cùng vượt qua và điều trị sớm có kết quả. Nhưng nếu nguyên nhân do vợ, thì người phụ nữ bị áp lực tâm lý nặng nề.

Nhẹ thì gia đình chồng khinh bạc, nặng thì chồng bỏ mặc, đơn thân đi qua bao năm tháng với mong muốn có con. "Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị vô sinh, bản thân tôi chứng kiến cảnh này cũng rất buồn. Tôi mong các bạn phóng viên chuyển đến độc giả thông điệp rằng: Quan niệm "gái độc không có con" là hoàn toàn sai và rất thiệt thòi cho những người phụ nữ hiếm muộn", bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết nhấn mạnh.

Hạnh phúc vỡ òa trong nước mắt

Tôi theo chân chị T.H.Hân đến khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Từ Dũ. Tại nơi làm thụ tinh ống nghiệm có khoảng 30 cặp vợ chồng đang chờ đợi làm thủ tục chọc hút trứng, lấy tinh trùng để tạo phôi. Mỗi người một tâm trạng, người tựa vào cửa sổ tầng 8 nhìn xa xăm, người không rời mắt nhìn về cánh cửa phòng trả kết quả...

Mỗi khi cánh cửa phòng mở ra, mọi ánh mắt lại đổ dồn, bồn chồn chờ đợi. Bước ra khỏi phòng, chị L.H.T.Thúy 35 tuổi, nhân viên marketing của một công ty tại Hà Nội buồn bã nhìn xuống hồ sơ bệnh án "Em lại phải nằm đợi, bác sĩ bảo niêm mạc tử cung quá dày, nên chưa thể cấy phôi". Chị N.T.Hà thì nhận được kết quả ngược lại, niêm mạc tử cung quá mỏng, bác sĩ chỉ định cho uống thuốc kích thích tăng độ dày tử cung.

Số phôi của vợ chồng đã thụ tinh thành công trong ống nghiệm sẽ được trữ lạnh, chờ ngày điều trị để cấy lại. Những trường hợp như chị N.T.Hà nhanh thì sau một tháng có thể chuyển phôi lại, nhưng cũng có người phải đợi chờ thêm nhiều tháng, có khi cả năm trời.

Qua kết quả siêu âm, bác sĩ phát hiện chị T.H.Hân đang mang ba thai, trong đó có một túi thai có hai phôi dính nhau. Nếu giữ nguyên thì chị sẽ sinh tư và có thể hai bé bị dính liền. Nhưng nếu tiến hành hút thai loại bớt phôi thì sẽ ảnh hưởng đến hai thai còn lại. Bác sĩ cho biết, khả năng giữ thai của chị là 50/50 và đề nghị chị tự quyết định giữ lại hay phẫu thuật, hút bỏ hai thai nhi.

Nghe vậy, chị T.H.Hân bật khóc. Hơn 30 phút sau, chị bước ra hành lang và gọi điện thoại. Có lẽ, chị gọi cho chồng để một lần nữa báo tin không may. Còn chị N.T.Thu được chuyển từ phòng phẫu thuật xuống nằm ở khu vực điều trị. Chị Thu có ba thai, nhưng sức khỏe yếu, bác sĩ chỉ định phải hút bỏ bớt thai để hạn chế tình trạng sinh non. Làm thủ thuật xong, chị đau đớn đặt tay lên bụng thều thào: Con ơi, con ở lại với mẹ nhé! Cả phòng khám ứa nước mắt.

Thế nhưng hạnh phúc cũng mỉm cười với không ít người. Khăn gói từ Hà Nội vào ở "xóm hiếm muộn" với mong muốn có một mụn con, chị N.T.Hoan tưởng chừng phải bỏ cuộc sau 5 lần thụ tinh không đậu. Nhiều lúc chị đã tính chuyện ly dị vì không chịu nổi áp lực. Là con gái một, kết hôn cùng chồng là con trai trưởng, 3 năm về làm dâu chưa có con, gia đình chồng đã "bóng gió" nói chị nên tự rút lui để chồng lấy cô vợ "biết đẻ".

Tủi phận, chị Hoan bán luôn căn nhà thừa kế của bố mẹ đẻ, lặng lẽ vào Nam. Năm đầu chị thuê một phòng ở 5 triệu đồng/tháng; hết tiền, năm thứ hai chị ở chung với phụ nữ khác trong xóm trọ dì Sáu để có chị có em, tự động viên nhau khi vắng chồng biền biệt. Ngày lên Bệnh viện Từ Dũ nhận kết quả sau 14 ngày chuyển phôi, bác sĩ mỉm cười: "Về nhà ráng ăn để chăm 2 đứa nhé!". Nghe đến đấy, nước mắt đã như mưa rào. Chị N.T.Hoan chọn ở lại TP Hồ Chí Minh cho đến ngày sinh xong mới về lại với gia đình.

Điều trị hiếm muộn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự kiên trì và may mắn là yếu tố quan trọng quyết định thành công của người bệnh. Để có được một mụn con, không ít người mẹ dũng cảm đón nhận thử thách nghiệt ngã. Ngày con cất tiếng khóc chào đời, cũng là ngày người mẹ rơi những giọt nước mắt hạnh phúc…

Tuệ Diễm