Sản xuất, kinh doanh đang có xu hướng hồi phục

Kinh tế - Ngày đăng : 07:03, 18/07/2015

(HNM) - Những diễn biến mang tính tích cực về kinh tế trong 6 tháng qua và vấn đề đặt ra trong thời gian còn lại của năm là nội dung chính của cuộc trao đổi giữa PV Báo Hànộimới và TS Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê.


- Ông có thể cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến GDP nửa đầu năm nay tăng "ngoạn mục"?

- Sáu tháng đầu năm 2015, GDP cả nước tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2014, cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011-2014. Đây là mức tăng trưởng tiếp đà tăng trưởng diễn ra từ năm 2013 đến nay. Sự tăng trưởng kinh tế này được tạo ra từ sự tăng trưởng cao của ngành khai khoáng; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng và một số ngành dịch vụ. Đáng lưu ý là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh, tới 9,95% (cùng kỳ năm 2014 tăng 6,61%) do một số sản phẩm có chỉ số sản xuất tăng cao là: Sản xuất xe có động cơ; dệt; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học... GDP tăng 6,28% và cao hơn mức kế hoạch đề ra (cả năm 2015 tăng 6,2%) là thực tế đáng ghi nhận, hoàn toàn không có yếu tố bất ngờ mà do nền kinh tế hồi phục rõ nét, liên tục.

Mặt hàng dệt là một trong những sản phẩm có chỉ số sản xuất tăng cao. Ảnh: Bá Hoạt


- Ông có thể phân tích vì sao lạm phát vẫn được duy trì ở mức độ thấp, cũng như tác động tích cực của nó đối với tăng trưởng kinh tế thời gian tới?

- Lạm phát 6 tháng đầu năm tăng 0,55% so với tháng 12-2014 và bình quân 6 tháng đầu năm 2015 tăng 0,86% so với bình quân của cùng kỳ năm 2014. Đây là mức tăng thấp trong những năm gần đây, do các yếu tố như nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào; giá dầu thô và các sản phẩm từ dầu thô (xăng dầu, gas…) thế giới vẫn ở mức thấp làm chi phí sản xuất giảm, giá bán sản phẩm giảm theo. Giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới và trong nước khá ổn định, không tăng đột biến. Cuối cùng là do sự quản lý giá cả của các cơ quan chức năng đạt hiệu quả.

Lạm phát thấp giúp ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giúp DN ổn định chi phí đầu vào cũng như là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay tín dụng và thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt thúc đẩy sản xuất. Thực tế trong 6 tháng qua, lạm phát ở mức thấp có tác động tích cực tới chính sách tiền tệ, tới ứng xử của người dân đối với khoản tiền nhàn rỗi.

- Ông có cho rằng nhập siêu đang là vấn đề của nền kinh tế?

- Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam ở vị thế xuất siêu. Nhưng, 6 tháng đầu năm nay nền kinh tế bắt đầu nhập siêu trở lại. Tuy nhiên, nếu xét trong ngắn hạn thì nhập siêu không phải là vấn đề lớn của nền kinh tế, vì sản xuất, kinh doanh trong nước đang có xu hướng hồi phục, các ngành cần đầu tư mua sắm tài sản cố định, mua nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, trên 90% giá trị nhập khẩu là nguyên, vật liệu cho sản xuất. Tiếp theo, sản xuất đang tăng trưởng khá, chủ yếu nhằm vào xuất khẩu. Vì vậy, nhập khẩu nguyên vật liệu tăng cao trong thời gian qua sẽ làm tăng xuất khẩu trong chu kỳ tiếp theo và xuất khẩu sẽ tăng trở lại, góp phần làm cân bằng cán cân thương mại. Để khắc phục tình trạng nhập siêu, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, tìm kiếm và khai thác thị trường tiềm năng kết hợp khai thác thị trường mới. Đặc biệt, cần tìm giải pháp để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp; tăng cường kiểm soát và ngăn ngừa hàng lậu, hàng giả tuồn vào thị trường "nội".

- Theo ông, năm nay nền kinh tế có đạt tốc độ tăng trưởng như kế hoạch? Có còn "dư địa" để tăng cao hơn, tới 6,5% như một số dự báo gần đây? Những biện pháp chủ yếu để tăng trưởng là gì?

- Hiện, cơ quan chức năng dự báo thời gian còn lại của năm 2015, công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; thương mại; tài chính ngân hàng; kinh doanh bất động sản... vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao như 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, vẫn có một số ngành, lĩnh vực đang gặp khó khăn hoặc xuất hiện yếu tố bất lợi đến sản xuất cần lưu ý: Tình hình thời tiết khắc nghiệt, hạn hán xâm nhập mặn kéo dài trong khi tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, giá bán xuống thấp đã ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Ngành khai khoáng khó có thể duy trì mức tăng cao như thời gian qua.

Với tình hình nêu trên, tăng trưởng kinh tế cả năm 2015 sẽ phụ thuộc nhiều vào giải pháp khắc phục ảnh hưởng của hạn hán đối với việc gieo trồng vụ hè thu, sinh trưởng của các cây, con ở miền Trung, Tây Nguyên và nuôi trồng thủy sản tại miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt, phụ thuộc vào kết quả hoạt động của ngành khai khoáng 6 tháng cuối năm. Nếu kết quả khai thác dầu thô vượt mức kế hoạch đề ra, khai thác than đạt kế hoạch thì việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2% do Quốc hội đề ra là hiện thực.

Để thực hiện tốt mục tiêu phát triển KT-XH năm 2015, các DN cần theo sát chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh thông qua việc đa dạng các hình thức ưu đãi thuế và hỗ trợ lãi suất cho DN, nhất là DN thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ…

Tiếp theo, tăng cường xuất khẩu, giảm nhập siêu thông qua việc chuẩn bị và tận dụng cơ hội để xuất sang các thị trường đã ký kết hiệp định thương mại tự do. Tăng cường cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu kết hợp phát triển thị trường trong nước. Các DN xuất khẩu cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu; tiết kiệm chi phí và đổi mới công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, cần sớm hoàn thiện chính sách thuế và hệ thống pháp luật liên quan tới hoạt động xuất, nhập khẩu; tiếp tục xử lý nợ công, kiểm soát vấn đề nợ xấu trên cơ sở xây dựng chiến lược cụ thể, minh bạch; thúc đẩy nhanh quá trình thoái vốn khỏi các DN nhà nước. Các công cụ chính sách tiền tệ, chủ động điều hành tỷ giá linh hoạt, hợp lý cũng phải được thực hiện đồng bộ. Đồng thời, kiểm soát chất lượng tín dụng, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa...

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hồng Sơn