Duy trì áp lực cạnh tranh cho thị trường viễn thông

Kinh tế - Ngày đăng : 17:48, 17/07/2015

(HNMO) - Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức ngày 17-7, Phó TGĐ Tập đoàn Viettel Hoàng Sơn đã kiến nghị Bộ nên xem xét sửa đổi lại một số quy định cho phù hợp với Luật Viễn thông để không phân biệt giữa các DN lớn-nhỏ trên thị trường và đều đuợc bình đẳng như nhau trong quản lý nhà nước.


Tuy nhiên, kiến nghị này của Viettel đã bị lãnh đạo Bộ TT-TT “bác bỏ” và cho rằng Viettel là DN lớn nhất thị trường sao lại đi xin "bình đẳng" với các DN nhỏ hơn… Cũng qua cuộc họp này cho thấy quan điểm rất rõ của cơ quan quản lý nhà nước nhằm để thị trường viễn thông phát triển bền vững.

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son phát biểu tại hội nghị sơ kết ngành 6 tháng đầu năm


Cụ thể, theo Phó TGĐ Viettel, điều 54 của Luật Viễn thông, quy định "tôn trọng quyền tự xác định và cạnh tranh về giá cước của các DN viễn thông", các nhà mạng được bình đẳng, không phân biệt trong quản lý và quy định giá cước viễn thông. Đồng thời, cho biết, Viettel đi ra nước ngoài đầu tư đều phải cạnh tranh công bằng với các mạng lớn, lâu đời ở những thị trường này và không nhận được ưu ái về chính sách của nước sở tại.

Vì vậy, từ kinh nghiệm này, Viettel mong muốn được sửa đổi trong Thông tư quy định DN thống lĩnh thị trường để thúc đẩy cạnh tranh công bằng, bình đẳng hơn giữa các DN cung cấp dịch vụ di động. Trước đó trong hai cuộc họp giao ban quản lý nhà nước tổ chức hồi tháng 4 và tháng 6-2015, Viettel cũng đã có các đề nghị liên quan đến các chính sách quản lý tương tự như vậy. Và điều đáng chú ý, các kiến nghị này cũng đã bị giới truyền thông lên tiếng phản đối.

Kiến nghị của lãnh đạo Tập đoàn Viettel đuợc hiểu là nhắc đến việc ngày 15-6-2015 vừa qua, Bộ TT-TT đã ban hành Thông tư 15 quy định chỉ Viettel là nhà mạng giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Điều đó đồng nghĩa với việc Viettel sẽ chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nuớc về giá cước, khuyến mại. Còn hai nhà mạng MobiFone, Vinaphone không phải chịu sự quản lý nhà nước và được tự quyết định giá cước, khuyến mại.

Trả lời về đề xuất của Viettel, Cục trưởng Cục Viễn thông Phan Tâm cho biết, quy định về DN thống lĩnh thị trường đã được nêu rất rõ trong luật nên việc “đưa” DN nào vào, “rút DN nào khỏi danh sách không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của Bộ hay của DN. Còn về kinh nghiệm quản lý viễn thông của nước ngoài cũng chỉ là để tham khảo và chỉ được áp dụng trên cơ sở phù hợp với điều kiện của thị trường trong nước. Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh quản lý nhà nước thực hiện theo nguyên tắc DN lớn sẽ phải bị quản chặt hơn nhằm tránh độc quyền và đặt câu hỏi với Viettel "Doanh nghiệp lớn nhất thị trường sao lại xin được bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ hơn"…

Thứ trưởng Lê Nam Thắng thì phân tích vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là phải duy trì áp lực cạnh tranh cho thị trường viễn thông tránh tình trạng có DN quá mạnh sẽ áp đảo đối thủ, có thể đẩy thị truờng về trạng thái độc quyền. Đồng thời nhấn mạnh, các quy định về quản lý nhà nước bên cạnh việc tuân thủ theo Luật Viễn thông còn phải theo quy định của Luật Cạnh tranh nhằm bảo đảm cho sự phát triển lành mạnh của thị truờng.

Trong phần phát biểu kết luận hội nghị, khi nói về vấn đề “cạnh tranh”, “bình đẳng” của 3 nhà mạng, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son cho rằng so với các nhà mạng còn lại, Viettel có một ưu thế lớn là được áp dụng cơ chế lương đặc thù. Với việc được Chính phủ cho áp dụng cơ chế trả lương đặc thù, Viettel đã thu hút người tài về làm việc và đó là lợi thế quan trọng. Thực tế Viettel đã “kéo” được nhiều người có trình độ, năng lực từ Bộ TT-TT, từ VNPT…về làm việc với mức lương cao. Bộ trưởng cũng chỉ rõ MobiFone và Vinaphone chưa được áp dụng cơ chế trả luơng đặc thù này nên đó cũng là cái khó trong cạnh tranh với Viettel và đó cũng là cái chưa bình đẳng giữa các DN. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son kiến nghị Chính phủ tạo "sân chơi" bình đẳng giữa các DN nhằm bảo đảm cho thị truờng viễn thông phát triển lành mạnh.

Như vậy đã rõ, với phát biểu lần lượt của 4 lãnh đạo đơn vị, phụ trách về viễn thông và người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước là Bộ trưởng TT-TT cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước đã gửi thông điệp rất rõ ràng. Đó là việc áp dụng các cơ chế chính sách của nhà nước, hoặc sửa đổi các quy định (nếu chưa phù hợp)… chỉ để bảo đảm mục tiêu duy trì áp lực cạnh tranh trên thị trường, tránh để tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” hoặc “độc quyền” trở lại nhằm để thị trường viễn thông phát triển lành mạnh và bền vững.

Việt Nga