Hà Nội đổi mới chính sách thu hút các nhà nghiên cứu công nghệ sinh học
Công nghệ - Ngày đăng : 17:11, 17/07/2015
Tham dự có Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Hồ Quang Lợi, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Quốc Khánh.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 50, việc triển khai các chương trình kinh tế-kỹ thuật có nội dung nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học của các ngành, các cấp, các đơn vị trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã bước đầu cho kết quả tốt. Một số xí nghiệp chế biến và đóng hộp theo phương pháp công nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp muối chua đã dần chiếm lĩnh thị trường trong nước và bắt đầu vươn ra thị trường thế giới. Một số nhà khoa học đã giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật về công nghệ sinh học, kết hợp với các địa phương lân cận Hà Nội - nơi có sẵn nguồn nguyên liệu - để phát triển, sản xuất rất thành công một số sản phẩm lên men theo công nghệ sinh học… Đáng chú ý, trong tổng số 28 sản phẩm công nghiệp chủ lực của 28 doanh nghiệp được công nhận lại năm 2014, có 2 sản phẩm của ngành công nghiệp công nghệ sinh học là Bia Hà Nội và sữa thương hiệu Izzi, Hanoimilk. Đây là những thành quả thực tế chứng minh cho sự phát triển đáng khích lệ của các nhà khoa học Thủ đô trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ về cơ bản vẫn còn hạn chế. Đa phần các kết quả nghiên cứu mới dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm hoặc sản xuất thử, khả năng cạnh tranh và tính thương mại của sản phẩm chưa thể so sánh với sản phẩm ngoại nhập. Cho đến nay, chưa có một chế phẩm enzyme, phụ gia thực phẩm có nguồn gốc sinh học nào được nghiêm cứu và sản xuất ở Hà Nội được lưu hành rộng rãi trên thị trường. Ngoài ra, các nội dung về thực hiện dự án phát triển công nghệ sinh học trong các chương trình, dự án thực hiện mục tiêu hình thành ngành kinh tế sinh học còn rất hạn chế, chưa huy động được sự tham gia tích cực, hiệu quả của các doanh nghiệp.
Để thúc đẩy phát triển công nghệ sinh học ở Thủ đô, thời gian tới, Hà Nội sẽ lựa chọn ưu tiên khi phát triển công nghệ sinh học với các giải pháp đột phá như: quan tâm chính sách phát triển công nghệ sinh học nội sinh, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới và tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho các viện, trung tâm nghiên cứu và các phòng thí nghiệm, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp và phát triển thị trường, thúc đẩy chuyển giao và ứng dụng công nghệ…
Tham gia đóng góp ý kiến cho việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương của Thủ đô cho rằng, để có những bước đi hiệu quả và dài hơi trong thời gian tới, Thành phố cần chú trọng việc huy động, mời các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, có chế độ đãi ngộ thích đáng, đặt hàng các sản phẩm công nghệ sinh học chất lượng cao cho các nhà khoa học; nhanh chóng xây dựng trung tâm nghiên cứu lớn đủ điều kiện thực hiện các nghiên cứu lớn, phức tạp, công nghệ cao; tăng mạnh đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học một cách tổng thể và đồng bộ, tránh dàn trải, manh mún...
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi trao bằng khen của Thành ủy cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 50 - Ảnh: Tuấn Phong |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Quốc Khánh đánh giá cao những kết quả mà Hà Nội đã đạt được trong thực hiện Chỉ thị 50. Thứ trưởng cho rằng, Hà Nội nên có các giải pháp đột phá hơn nữa về đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học chuyên sâu; ưu tiên phát triển các sản phẩm cho năng suất cao và có khả năng chiếm lĩnh thị trường; tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học. Bộ sẽ lồng ghép việc tăng cường đầu tư cho các dự án, chương trình về công nghệ sinh học, hỗ trợ tra cứu thông tin, nhân lực... khi Hà Nội đề xuất.
Kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hồ Quang Lợi khẳng định, Chỉ thị 50 đã được các cấp, các ngành, các cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và được đông đảo nhân dân hưởng ứng tích cực, bước đầu đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh các cơ sở công lập, Hà Nội đã có những tổ chức khoa học ngoài công lập hoạt động hiệu quả, nhiều dự án khoa học công nghệ sinh học được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao, nổi bật là việc xử lý ô nhiễm cho các hồ lớn của Thủ đô bằng công nghệ sinh học.
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ, sự vào cuộc của nhiều cơ sở chưa thực sự mạnh mẽ; nhận thức về vao trò của công nghệ sinh học của một số cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa thật đầy đủ, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm; các cơ chế, chính sách phát triển công nghệ sinh học còn dàn trải, thiếu sự liên kết, thiếu tính đột phá; kinh phí đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn thấp; thiếu các chuyên gia có trình độ cao và chuyên sâu đáp ứng nhu cầu...
Từ tình hình thực tế, thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo đề nghị, các cấp chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học; đổi mới công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân về ứng dụng công nghệ sinh học; quan tâm chính sách phát triển công nghệ sinh học, trong đó có chính sách về trọng dụng nhân lực, xây dựng các quỹ đầu tư, khuyến khích chuyên gia nước ngoài, Việt kiều tham gia các dự án nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học mới; thành lập trang thông tin điện tử về các doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ sinh học, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ....
Cũng tại Hội nghị, Thành uỷ Hà Nội đã tặng bằng khen cho 14 tập thể, 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chỉ thị 50.