Tăng cường kiểm tra và luân chuyển cán bộ

Đời sống - Ngày đăng : 06:37, 17/07/2015

(HNM) - Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế tối đa tiêu cực, việc luân chuyển vị trí công tác của cán bộ, đăng kiểm viên, tăng cường hậu kiểm là hết sức cần thiết…


Hơn 100 đăng kiểm viên bị xử lý trong 2 năm

Từ năm 2014 đến nay, công tác phòng chống tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm đã được Cục ĐKVN chỉ đạo thực hiện quyết liệt theo Chỉ thị số 08/2014/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cục ĐKVN đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc thành lập các tổ công tác trực tiếp đi kiểm tra, phúc tra đột xuất chất lượng kiểm định các trung tâm đăng kiểm, qua đó đã phát hiện hàng loạt trường hợp vi phạm.

Theo thống kê của Cục ĐKVN, trong năm 2014, Cục đã phát hiện, đình chỉ 68 ĐKV và 3 trung tâm đăng kiểm. Riêng từ đầu năm 2015 đến nay, Cục đã phát hiện, đình chỉ công việc 35 ĐKV và 4 dây chuyền kiểm định thuộc 18 trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc. Hàng chục trường hợp lãnh đạo trung tâm đăng kiểm đã bị cách chức, luân chuyển do để xảy ra sai phạm tại đơn vị.

Kiểm tra định kỳ xe ô tô tại trạm đăng kiểm. Ảnh: Năng Lực


Trong số các vụ việc được phát hiện và xử lý, hầu hết là lỗi ĐKV thực hiện sai quy trình kiểm định hoặc đánh giá sai tình trạng kỹ thuật phương tiện. Nổi cộm như vụ xảy ra vào đầu tháng 4-2015 tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 8802D Vĩnh Phúc. Quá trình phúc tra đột xuất do Đội kiểm tra chuyên ngành của Cục ĐKVN đã phát hiện hàng loạt sai phạm như xe BKS 88C-00307 tại phiếu kiểm định 00468/15, chỉ có các công đoạn 2 và 5 không đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, khi phúc tra, xe 88C-00307 không đạt chuẩn ở công đoạn 2, 3 và 5. Sai phạm này đã khiến 4 ĐKV của trung tâm bị đình chỉ công tác.

Cũng trong tháng 4-2015, Cục Đăng kiểm đã đình chỉ chức danh ĐKV đối với lãnh đạo và một loạt nhân viên thuộc Trung tâm Đăng kiểm Thanh Hóa do vi phạm quy định, tiêu chuẩn trong công tác kiểm định, đánh giá sai kết quả kiểm định trong quá trình kiểm định xe tải biển số 36C-01686. Vào ngày 6-5, tổ kiểm tra của Cục ĐKVN kiểm tra đột xuất hoạt động kiểm định xe cơ giới tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 9801S (Bắc Giang) đã phát hiện ĐKV Hà Anh Đức không tuân thủ đúng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong kiểm định xe cơ giới. Xe ô tô BKS: 98B-011.51 trong quá trình phúc tra không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, nhưng ĐKV Hà Anh Đức đã kết luận đạt yêu cầu…

Để kiểm định chất lượng an toàn một ô tô cần có 5 công đoạn cần kiểm tra: Nhận dạng xe, số khung, số sườn của xe, đo kích thước chiều dài, chiều cao, vỏ; vô lăng, càng lái, bàn đạp phanh, ly hợp (còn gọi là côn hay amaza), ghế, dây an toàn...; phanh, độ trượt ngang của bánh xe...; khí thải, môi trường, tiếng ồn, còi...; hệ thống sàn, bệ, khung, xương, treo...

Mới đây (ngày 13-7), qua phản ánh của cơ quan báo chí về việc một số ĐKV thuộc Trung tâm Đăng kiểm 50-01S, 50-03V (TP Hồ Chí Minh) có hành vi nhận tiền của lái xe để bỏ qua lỗi vi phạm, Cục ĐKVN đã ngay lập tức đình chỉ công tác các cán bộ, nhân viên có liên quan và cử lãnh đạo Cục trực tiếp từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để xác minh. Cục trưởng Cục ĐKVN Trần Kỳ Hình khẳng định, bên cạnh việc thường xuyên thực hiện công tác thanh, kiểm tra thì tất cả các thông tin phản ánh tiêu cực liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, dù chính danh hay nặc danh, đều được Cục xác minh, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định.

Xử lý nghiêm, vi phạm vẫn nhiều?

Được biết, để hạn chế tiêu cực, Cục ĐKVN đã cho phép các bộ phận liên quan được phép "tiền trảm hậu tấu", tức là nếu nghi vấn có tiêu cực hoặc vi phạm quy trình tại các trung tâm, các bộ phận chuyên môn được giao có thể đột ngột kiểm tra, xử lý sau đó báo cáo sau. Ngoài ra, Cục cũng đã trang bị hệ thống camera IP trên toàn bộ 200 dây chuyền đăng kiểm thuộc trên 100 đơn vị đăng kiểm và chi nhánh trực thuộc để giám sát; công khai các đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý phản ánh tiêu cực của các trung tâm đăng kiểm… Câu hỏi đặt ra là vì sao đã kiểm tra chặt, xử lý nghiêm mà vi phạm vẫn nhiều?

Đại diện Cục ĐKVN nhận định, do cơ chế tiền lương, thù lao cho người lao động tại các trung tâm đăng kiểm do địa phương hoặc doanh nghiệp chủ quản hiện không đồng đều, có thể khiến các đơn vị, ĐKV cố tình bỏ qua lỗi kỹ thuật để tư túi hoặc thu hút phương tiện. Cục ĐKVN sẽ đánh giá, nghiên cứu để đưa ra một cơ chế vận hành phù hợp, nhằm bảo đảm đời sống ĐKV, người lao động, góp phần phòng ngừa sai phạm, tiêu cực.

Tuy nhiên, nguyên nhân gián tiếp dẫn đến sai phạm của các ĐKV còn là công tác quản lý của trung tâm đăng kiểm thiếu chặt chẽ. Cùng đó, ĐKV không thường xuyên được luân chuyển kiểm định ở cả 5 công đoạn, dẫn đến có trường hợp chỉ làm ở một công đoạn trong thời gian dài, nên thiếu kinh nghiệm, độ chuẩn xác khi kiểm định công đoạn khác. Ngoài ra, cũng có thể từ yếu tố nhạy cảm khác là có đơn vị thúc đẩy ĐKV làm nhanh để tăng năng suất kiểm định, nhằm cạnh tranh, thu hút phương tiện đến kiểm định.

Nhiều ý kiến cho rằng, công tác đăng kiểm có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng về phương tiện và môi trường trước khi cho phép tham gia giao thông. Chỉ một sơ suất nhỏ, bỏ lọt lỗi cũng có thể gây hậu quả khôn lường. Thời gian qua, máy móc phương tiện đã được ngành đăng kiểm quan tâm đầu tư, song yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Do đó, ngoài việc rà soát, bổ sung quy trình đăng kiểm phải chặt chẽ hơn thì các cơ sở cũng cần phải nâng chất lượng ĐKV cả về chuyên môn lẫn tư cách đạo đức; luân chuyển, bố trí hợp lý cán bộ, ĐKV và nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm nhằm ngăn ngừa các hành vi tiêu cực.

Bên cạnh đó, khâu hậu kiểm công tác đăng kiểm cũng cần phải triển khai quyết liệt. Ngành đăng kiểm tăng cường hậu kiểm, nhưng các lực lượng thanh tra, công an cũng cần tích cực tham gia vào hậu kiểm nhằm làm trong sạch và minh bạch khâu đăng kiểm phương tiện trước khi cho phép tham gia lưu thông trên đường.

Tuấn Khải