Nhức nhối vi phạm đê điều, thủy lợi
Đời sống - Ngày đăng : 06:08, 17/07/2015
Việc khai thác cát trái phép đã ảnh hưởng đến an toàn hệ thống đê điều. Ảnh: Bảo Lâm |
Thành phố Hà Nội có hệ thống đê điều, thủy lợi lớn nhất cả nước với hơn 626km đê các loại trên địa bàn 26/30 quận, huyện, thị xã; 2.033 trạm bơm, 11.412 tuyến kênh mương tưới tiêu, 95 hồ chứa thủy lợi lớn... Điều này đã khiến công tác quản lý, điều hành hệ thống đê điều, thủy lợi gặp không ít khó khăn, nảy sinh bất cập. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, chỉ riêng giai đoạn từ năm 2010 đến hết tháng 6-2015, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.690 vụ vi phạm pháp luật về đê điều với những lỗi chủ yếu là xây nhà kiên cố trên mái đê, hút cát dưới lòng sông, hoạt động không bảo đảm quy định của các bãi chứa vật liệu xây dựng, xe quá tải trọng chạy trên đê... Tương tự, tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi cũng diễn ra nghiêm trọng khi đến hết tháng 6-2015, toàn thành phố còn tồn đọng 15.289 vụ vi phạm chưa bị xử lý.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Đức Trung, đáng buồn là số vụ vi phạm thì lớn nhưng công tác xử lý lại rất khiêm tốn. Đối với lĩnh vực đê điều, hơn 5 năm qua mới xử lý, giải tỏa được 555/1.690 trường hợp. Với vi phạm công trình thủy lợi, khả năng xử lý còn kém hơn khi mới giải quyết được 1.660/15.289 trường hợp. Việc xử lý thiếu kiên quyết, dứt điểm có thể là nguyên nhân dẫn tới số vụ vi phạm có chiều hướng tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, thậm chí đối tượng vi phạm rất manh động, cản trở, chống đối lực lượng chức năng khi bị lập biên bản vi phạm.
Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện Ứng Hòa tồn tại hơn 700 trường hợp vi phạm pháp luật đê điều, tuy nhiên, đến 15-7 mới giải tỏa được hơn 290 trường hợp. Giải thích về việc tồn tại nhiều vi phạm đê điều, thủy lợi trên địa bàn quản lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho rằng, nhiều tuyến đê xây dựng trên đất thổ cư nên việc xây dựng nhà cửa, công trình dân sinh trong hành lang bảo vệ đê điều khó tránh. Vẫn theo ông Viễn, do nguyên nhân chủ quan, khách quan, địa phương mới chỉ xử lý được những vi phạm nhỏ về làm nhà tạm, mái che, mái vẩy, hàng quán... chưa thể xử lý những công trình xây dựng kiên cố. Với những khó khăn đặc thù của địa phương, ông Viễn đề xuất cho phép khoanh vùng những trường hợp vi phạm đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xử lý sau. Với những trường hợp đã xử lý, giải tỏa lấn chiếm, đề nghị thành phố cho phép thi công đường gom dân sinh để vừa bảo đảm giao thông vừa chống tái lấn chiếm. Tổng Giám đốc Công ty TNHH thủy lợi Sông Đáy Doãn Trung Kính cho rằng: Chính quyền cơ sở biết sai phạm nhưng do sự nể nang nên chưa vào cuộc xử lý quyết liệt và phó thác việc ngăn chặn, xử lý vi phạm cho cơ quan chuyên môn, thanh tra chuyên ngành. Theo ông Kính, để hạn chế vi phạm phát sinh, thành phố cần sớm tiến hành cắm mốc chỉ giới hành lang sông và các kênh mương thủy lợi nội đồng để đơn vị thủy lợi và các địa phương có căn cứ xử lý vi phạm, chống tái lấn chiếm. Lãnh đạo đại diện các quận, huyện: Hà Đông, Tây Hồ, Gia Lâm... cũng kiến nghị, thành phố sớm có biện pháp mạnh tay để chỉ đạo, giúp đỡ địa phương trong việc xử lý, giải tỏa vi phạm đê điều, thủy lợi.
Để hạn chế vi phạm đê điều, công trình thủy lợi, đại diện Thanh tra thành phố kiến nghị xây dựng quỹ khen thưởng cho người tố giác vi phạm; đồng thời tăng cường tuyên truyền pháp luật cho cán bộ quản lý đê điều, thủy lợi và người dân. Địa phương, đơn vị nào để xảy ra nhiều vi phạm trên lĩnh vực, địa giới phụ trách, cần xem xét trách nhiệm của lãnh đạo cũng như cán bộ phụ trách địa bàn. Phó Giám đốc Công an thành phố Phạm Xuân Bình khẳng định, thời gian qua, Công an thành phố rất quan tâm chỉ đạo công an các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng hút cát trên sông cũng như xe quá tải đi trên đê. Tuy nhiên, các địa phương phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, phát hiện, thông báo vi phạm kịp thời và phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an trong công tác xử lý.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt yêu cầu, trong thời gian tới, các địa phương và đơn vị thủy lợi, đê điều tập trung nâng cao công tác tuyên truyền pháp luật; nâng cao năng lực xử lý vi phạm cho cán bộ ở cơ sở. Với những vi phạm tồn tại đã nhiều năm, Sở NN&PTNT, các công ty thủy lợi rà soát, phân loại vi phạm theo từng giai đoạn, từng lĩnh vực và từng nhóm đối tượng để xử lý, trong đó, giao chính quyền cấp xã, thị trấn xử lý những vi phạm đơn giản trước. Với những sai phạm nghiêm trọng như xây dựng công trình kiên cố, xe quá tải; hút cát... giao các huyện phối hợp với sở, ban, ngành liên quan xử lý. Thời gian tới, Sở NN&PTNT tích cực hơn nữa phối hợp với Sở TN&MT trong việc kiểm tra các bãi chứa VLXD, điểm xả nước thải chưa qua xử lý để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt yêu cầu trong tháng 7 phải xây dựng kế hoạch xử lý để tập trung triển khai xử lý vi phạm trên toàn thành phố trong tháng 8 và 9.