Bí thư Thành ủy thăm Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công
Chính trị - Ngày đăng : 13:51, 16/07/2015
Cùng đi với Bí thư Thành ủy có: Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu; Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Trần Quang Cảnh; lãnh đạo một số sở, ngành thành phố…
Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội nằm trên địa bàn xã Viên An, huyện Ứng Hòa. Theo Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Nhiêu, tiền thân của Trung tâm là Khu điều dưỡng thương binh nặng Hà Sơn Bình (thành lập tháng 11-1978), với số lượng thương, bệnh binh được điều dưỡng tại Trung tâm là 650 người. Đến năm 1993, Trung tâm đã hoàn thành xuất sắc, kết thúc nhiệm vụ điều dưỡng thương, bệnh binh.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị ân cần thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngô (95 tuổi) đang được phụng dưỡng tại Trung tâm |
Năm 1994, Trung tâm tiếp tục được giao nhiệm vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng. Từ đó đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 105 người có công với cách mạng vào nuôi dưỡng thường xuyên. Do tuổi cao, sức yếu, nhiều cụ, nhiều mẹ đã qua đời nên hiện trung tâm đang nuôi dưỡng 53 người có công… Hiện nay, tổng số cán bộ, công nhân viên của Trung tâm là 53 người.
Bí thư Thành ủy thăm hỏi, động viên hai cụ (đều hơn 90 tuổi) là người có công với cách mạng đang ở Trung tâm |
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị xúc động bày tỏ sự trân trọng trước những hy sinh to lớn, những cống hiến vô cùng quý báu, thiêng liêng của các anh hùng liệt sỹ, các thương, bệnh binh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho tổ quốc, cho nhân dân. Trong đó có những đóng góp không nhỏ của những người thân các bà, các mẹ, các bác đang ở Trung tâm. Bởi vậy, hôm nay được sống trong hòa bình, độc lập, đòi hỏi mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên phải phấn đấu làm tốt hơn nữa nghĩa vụ, trách nhiệm của mình để xứng đáng với những hy sinh của thế hệ cha anh đi trước.
Bí thư Thành ủy tặng quà cho Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội |
Bí thư Thành ủy đã ân cần thăm hỏi, động viên các bà, các mẹ, các bác là người có công đang được nuôi dưỡng, điều dưỡng tại Trung tâm; chúc mọi người luôn luôn mạnh khỏe, vui vẻ, lạc quan để chứng kiến sự “thay da, đổi thịt”, sự lớn mạnh từng ngày của Thủ đô và đất nước. Bí thư Thành ủy tin tưởng các bà, các mẹ, các bác thật sự thấy ấm cúng và coi đây là ngôi nhà thân yêu của mình; mình là chủ nhân của ngôi nhà này... Bí thư Thành ủy yêu cầu, các cấp, các ngành của thành phố, cán bộ, nhân viên Trung tâm cần tiếp tục làm tốt hơn nữa nghĩa vụ, trách nhiệm được giao trong việc phụng dưỡng người có công, qua đó thể hiện được tấm lòng tri ân, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc.
Rời Trung tâm, đoàn đã đến thăm Bảo tàng “Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày” tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên. Ông Lâm Văn Bảng – Giám đốc Bảo tàng cho biết, bảo tàng được thành lập từ năm 2006, với diện tích 2.000m2, hiện đang lưu giữ khoảng 4.000 hiện vật và 3.000 cuốn sách. Các tài liệu, hiện vật được trưng bày, giới thiệu đã tái hiện lại chứng tích gắn liền với ngày tháng của các cựu tù qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ… Theo thống kê của Bảo tàng, hàng năm, bảo tàng tiếp đón hơn 1 vạn khách từ các tỉnh, thành phố trong cả nước và khách quốc tế đến tham quan. Đây thực sự là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, nơi giữ lửa, tiếp lửa cho các thế hệ…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thăm Bảo tàng "Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày" |
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị bày tỏ sự vui mừng và xúc động khi được trở lại thăm bảo tàng. Theo ông, mỗi một lần đến bảo tàng là một lần được học bài học lớn về sự trung kiên, bất khuất, hy sinh anh dũng của cha anh mình cho sự nghiệp cách mạng, vì độc lập, tự do của đất nước, của dân tộc…
Bí thư Thành ủy đánh giá cao việc làm đầy tâm huyết, trách nhiệm của các bác- những người không quản ngại khó khăn, vất vả lặn lội khắp mọi miền của đất nước để sưu tầm các hiện vật, tư liệu, hình ảnh; góp công, góp sức xây dựng nên bảo tàng nhằm lưu giữ cho thế hệ mai sau. Dù bảo tàng mới thể hiện 1 phần rất nhỏ những hiện vật, những tư liệu về sự trung kiên, bất khuất, đức hy sinh anh dũng của những chiến sỹ cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc, cho đất nước nhưng giá trị lan tỏa thì không nhỏ, giá trị giáo dục về truyền thống yêu nước là rất lớn…