Dân khổ vì thiếu nước sạch
Xã hội - Ngày đăng : 06:48, 16/07/2015
Đường giao thông bị cắt xẻ để lắp đặt đường ống dẫn nước ở thôn Tân Phú Mỹ đến nay vẫn chưa được hoàn trả. |
Ở Xóm Dải, thôn Vật Lại (xã Vật Lại) có 49 hộ thì chỉ có 5 hộ dùng nước giếng khoan, còn lại là giếng khơi. Theo phản ánh của người dân, nước giếng khơi và giếng khoan đều không thể dùng trực tiếp. Ông Phùng Khắc Khiêm ở Xóm Dải, ngao ngán: "Do thu nhập thấp nên cả xóm chỉ hơn chục hộ có điều kiện đầu tư hệ thống lọc nước nên dẫu biết là nước ô nhiễm, nhưng nhiều gia đình vẫn buộc phải bơm thẳng nước giếng khơi, giếng khoan lên để dùng". Ở Xóm Xui (thôn Vật Lại), gia đình chị Phùng Thị Vân phải sử dụng nước giếng khoan. Nước vừa bơm lên chậu đã bốc mùi tanh nồng nặc, màu đục và một lúc sau bắt đầu lắng cặn. Muốn sử dụng phải bơm nước lên bể lọc thô bằng cát, đá, sỏi, sau đó chuyển qua máy lọc nước rồi mới sử dụng trong sinh hoạt. Tuy nhiên, chỉ được khoảng 15-20 ngày, quả lọc thô của máy lọc chuyển sang màu nâu đen kịt phải thay, mỗi lần như vậy chi phí hết 30.000 đồng, sau một năm thay cả bộ lọc với tổng chi phí 1 triệu đồng. Gia đình phải mua bình nước tinh khiết về dùng hằng ngày…
Ông Phùng Văn Bình, Trưởng thôn Vật Lại cho biết, xóm Cổ Chông hiện có 73 hộ dân đang dùng giếng khơi đào sâu từ 7 đến 9m và chỉ lấy được nguồn nước ngầm mạch ngang. Nếu đào sâu hơn sẽ vướng phải đá nên không có nước. Vào mùa mưa, nếu có mưa lớn, người dân sẽ có nước tạm đủ dùng. Nhưng nếu trời nắng nóng liên tục hoặc vào mùa khô từ tháng Mười âm lịch năm trước đến tháng 4 năm sau, toàn bộ giếng nước trong xóm cạn khô và người dân phải bơm nước ở ngòi vào vườn, cho thẩm thấu xuống đất để… chảy vào giếng. Bên cạnh nỗi lo nước xả thải trong sinh hoạt, chuồng trại chăn nuôi không có lối thoát, bị ứ đọng thẩm thấu xuống đất, ngấm vào nguồn nước, người dân trong thôn còn thêm nỗi lo nguồn nước ngòi bị nhiễm bẩn do xả thải từ các khu chăn nuôi ở thôn Yên Bồ, Vật Yên… trên đầu nguồn chảy về. Nhưng cả thôn chỉ vài nhà có điều kiện mua máy lọc nước, hai nhà xây bể chứa nước mưa, còn lại các hộ cực chẳng đã phải sử dụng trực tiếp nước giếng để ăn.
Phó Chủ tịch UBND xã Vật Lại Phùng Kim Chung cho biết: Xã có hơn 14.000 nhân khẩu với 2.786 hộ dân. Hiện, trên địa bàn xã có Trạm cấp nước Gia Khánh, nhưng mới chỉ cấp cho hơn 200 hộ dân ở thôn Tân Phú Mỹ. Tính ra trên địa bàn xã chỉ có khoảng 7-8% số hộ được dùng nước sạch, còn lại phải dùng nước giếng khơi, giếng khoan, bể chứa nước mưa...
Được biết, dự án xây dựng hệ thống cấp nước cho các xã bị mất đất phục vụ dự án mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ và vùng lân cận được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2019/QĐ-UBND ngày 4-5-2011 với tổng mức đầu tư là 358 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I, dự án hoàn thiện sẽ cấp nước cho 4 xã bị mất đất, gồm Vật Lại, Phú Sơn, Cẩm Lĩnh, Thái Hòa, với tổng mức đầu tư 199 tỷ đồng. Tháng 12-2012, dự án được khởi công xây dựng. Các tuyến ống truyền dẫn, phân phối và dịch vụ đã được lắp đặt trên địa bàn các xã, riêng xã Cẩm Lĩnh mới lắp đặt được 42% tuyến ống dịch vụ. Nhưng gần 3 năm qua, người dân các xã này chỉ được… "ngắm" đường ống cấp nước sạch đi qua trước cửa nhà, do dự án tạm dừng thi công vì gặp khó khăn về vốn. Niềm vui của người dân Vật Lại về việc có dự án nước sạch vừa chớm, đã thành nỗi lo kéo dài gần 3 năm và chưa biết bao giờ sẽ thành sự thực.