Thi đua là động lực để phát triển
Chính trị - Ngày đăng : 06:35, 16/07/2015
Qua đó nâng cao nhận thức, hành động của các tập thể, cá nhân, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường, thiết thực đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa nghệ thuật, cung cấp nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài, phục vụ công cuộc CNH-HĐH Thủ đô và đất nước.
Một tiết mục biểu diễn của thầy trò Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. |
Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương và thành phố, Đảng ủy nhà trường đã ban hành nghị quyết và kế hoạch thực hiện nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và phát huy năng lực vận động quần chúng của các tổ chức, đoàn thể để đổi mới công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT). Hằng năm, Hội đồng TĐKT nhà trường đã xây dựng kế hoạch, văn bản hướng dẫn các phòng, bộ môn, đơn vị trực thuộc về các chương trình, mục tiêu trong công tác TĐKT gắn với các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và thành phố để tập trung tổ chức chỉ đạo và thực hiện bằng những yêu cầu, giải pháp cụ thể, đồng thời gắn kết chặt chẽ với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Theo Hiệu trưởng Dương Minh Ánh, việc đổi mới công tác TĐKT của nhà trường còn thể hiện bằng biện pháp cụ thể hóa các tiêu chí, làm mục tiêu phấn đấu cho từng cá nhân, tập thể, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong toàn đơn vị. Mặt khác, các tổ chức như Công đoàn và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhà trường đã có nhiều sáng tạo trong việc đưa ra từng chủ đề thi đua phù hợp trong từng thời điểm như các phong trào: "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo"; "Xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa"; giữ môi trường, cảnh quan đơn vị "Xanh - Sạch - Đẹp"…
Đặc biệt, hằng năm Công đoàn đã phối hợp với chính quyền tổ chức phát động và ký kết giao ước thi đua, động viên, khuyến khích các cá nhân, tập thể đăng ký danh hiệu thi đua các cấp nhằm khích lệ tinh thần, tạo sự đoàn kết trong nội bộ. Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhà trường cũng đã phát huy vai trò tập hợp học sinh, sinh viên xung kích trong thực hiện công tác xã hội và các hoạt động tình nguyện. Điển hình như nhóm thiện nguyện Gia Bảo với nòng cốt là 7 thành viên gồm giáo viên nhà trường, các cựu sinh viên và học sinh nhà trường đã tổ chức tốt việc quyên góp tiền, quần áo, lương thực… với giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm, để xây nhà tình nghĩa, trao tặng học bổng, mua nhu yếu phẩm, giúp đỡ người nghèo và những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trọng tâm là "Dạy tốt - Học tốt"
Xác định phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt" là nòng cốt, xuyên suốt, trong đó công tác đào tạo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quyết định thương hiệu của nhà trường; giai đoạn 2010-2015, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc các chương trình, quy chế, quy định do Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Hà Nội ban hành, coi đó là những tiêu chí "cứng" trong bình xét TĐKT. Do vậy, các quy chế, quy định của các cấp đã được đơn vị tập huấn cho toàn thể cán bộ, viên chức và thống nhất xây dựng thành quy chế của nhà trường để thực hiện TĐKT. Bên cạnh đó, việc tổ chức thi giáo viên dạy giỏi các cấp, thi học sinh giỏi các cấp được trường chú trọng và đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Cùng với việc duy trì thanh kiểm tra, cải tiến xây dựng ngân hàng đề thi, quy trình ra đề thi, coi thi, chấm thi… bảo đảm khách quan, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy và học tập; các nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến phương pháp dạy và học là một trong những tiêu chí quan trọng để bình xét TĐKT cuối năm học của cán bộ, viên chức. Công tác nghiệm thu, đánh giá các đề tài nghiên cứu khoa học đã được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, phục vụ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Kết quả là quy mô đào tạo của nhà trường ổn định cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, số học sinh tại trường ngày càng tăng; hiện nay có tới 1.300 học sinh, sinh viên theo học với 40 chuyên ngành khác nhau, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về nhân lực nghệ thuật cho Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Với cách làm nêu trên, 5 năm qua, công tác TĐKT của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã có bước chuyển biến tích cực cả về nội dung, hình thức, đi vào chiều sâu và thực chất. Việc tổ chức phong trào thi đua đã xác định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng, xây dựng các chỉ tiêu thi đua cụ thể, sát với yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với thực tế nhà trường và từng lĩnh vực công tác. Do đó, hằng năm nhiều tập thể, cá nhân của nhà trường đã được các cấp khen thưởng, điển hình như Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Nguyễn Hữu Thủy, Bí thư Đoàn trường Nguyễn Tuyết Anh, Phó chủ nhiệm khoa Kiến thức âm nhạc Trương Quỳnh Thư…; 5 năm liền trường được Bộ VH-TT&DL tặng cờ Đơn vị thi đua xuất sắc ngành đào tạo.