Một thỏa thuận lịch sử
Thế giới - Ngày đăng : 06:28, 15/07/2015
Theo thỏa thuận này, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ cũng như Liên minh Châu Âu (EU) và Liên hợp quốc (LHQ) áp đặt lên Nhà nước Hồi giáo sẽ được dỡ bỏ. Đổi lại, Iran phải chấp nhận hạn chế chương trình phát triển hạt nhân mà phương Tây nghi ngờ nhằm mục đích chế tạo vũ khí.
Iran và Nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Tehran. |
Theo thỏa thuận cuối cùng giữa Nhà nước Hồi giáo và các cường quốc, Iran sẽ cho phép việc thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này. Cụ thể là, thanh sát viên của LHQ sẽ tới giám sát các cơ sở quân sự và lệnh trừng phạt có thể khôi phục trong 65 ngày nếu Iran vi phạm thỏa thuận vừa đạt được với 6 cường quốc. Bên cạnh đó, lệnh cấm vận vũ khí của LHQ tiếp tục được duy trì trong 5 năm và lệnh cấm Iran mua công nghệ đạn đạo sẽ duy trì trong 8 năm. Thỏa thuận giữa Iran và Nhóm P5+1 sẽ chính thức có hiệu lực sau 90 ngày, kể từ khi Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết chấp thuận thỏa thuận này.
Sự kiện Iran và Nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân gây tranh cãi là thông tin được dư luận thế giới chờ đợi suốt 48 giờ qua. Bởi lẽ theo lịch trình, Iran và các cường quốc trong Nhóm P5+1 phải đạt được thỏa thuận toàn diện cuối cùng về chương trình hạt nhân của Tehran trong đêm cuối trước hạn chót mới 13-7. Ngay trước vòng đàm phán quyết định này - dù đã lỗi hẹn thời hạn chót lần thứ ba liên tiếp - Tổng thống Iran Hassan Rouhani vẫn tỏ ra hết sức lạc quan khi tuyên bố đích đến đã rất gần. Đại diện đoàn đàm phán của Đức cho rằng, Iran và các cường quốc có thể nhanh chóng đạt được một thỏa thuận lịch sử nếu Tehran sẵn sàng có những bước đi cuối cùng. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, người đã phải hủy chuyến công du Châu Phi để ở lại bàn đàm phán, cũng bày tỏ hy vọng cuộc đàm phán nước rút đã đi đến giai đoạn cuối. Ðại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini nhận định đây là những giờ phút quyết định...
Thỏa thuận vừa đạt được giữa Tehran và các cường quốc đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ Iran với phương Tây. Một trong những cản trở lớn nhất của cuộc đàm phán hết sức cam go này là yêu cầu cứng rắn từ phía Iran: Lệnh cấm vận vũ khí và các chương trình tên lửa đạn đạo của LHQ với quốc gia Hồi giáo từ năm 2006 phải được dỡ bỏ ngay lập tức. Trong khi đó, phương Tây không muốn Iran mua bán vũ khí tự do vì lo ngại nước này sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho lực lượng dân quân Shiite ở Iraq, lực lượng Houthi ở Yemen và quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Tuy nhiên, những trở ngại cuối cùng đã được tháo gỡ vào phút chót (sau hạn đàm phán cuối cùng 24 giờ).
Sự kiện Iran và Nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân được đánh giá là một thỏa thuận tích cực. Thế nhưng, để thỏa thuận trở thành hiện thực Chính phủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ còn phải vượt qua không ít thách thức tại Quốc hội. Trong một tuyên bố trước phiên đàm phán cuối cùng, giới lập pháp đảng Cộng hòa cảnh báo thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran dù đạt được cũng sẽ khó qua ải Quốc hội Mỹ. Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell nhận định: Văn kiện này sẽ rất khó được thông qua tại Quốc hội. Chủ tịch Hạ viện John Boehner cũng nhắc lại rằng "không có thỏa thuận còn hơn một thỏa thuận tồi". Đồng tình với ông J. Boehner, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton nói rằng mọi thỏa thuận đều mạo hiểm...
Theo ông Mitch McConnell, Tổng thống B.Obama đã chịu sự chỉ trích từ không ít nghị sĩ Quốc hội và một số đồng minh của Mỹ tại Trung Đông khi cho rằng chính quyền Washington đã quá nhún nhường trong các cuộc đàm phán với Iran. Theo quy định, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để xem xét thỏa thuận. Điều đó có nghĩa Tổng thống B.Obama phải đợi cho tới khi có kết quả đánh giá từ Quốc hội mới có thể nới lỏng các lệnh trừng phạt Iran như đã thống nhất trong thỏa thuận. Dù còn không ít thách thức trước khi thỏa thuận lịch sử nêu trên trở thành hiện thực, nhưng thị trường dầu mỏ thế giới đã phản ứng tích cực khi giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm mạnh 2,1% xuống 56,63 USD/thùng.
Iran tiếp cận số tài sản bị đóng băng trị giá 100 tỷ USD Theo Reuters, ngày 14-7, các quan chức Mỹ cho biết Iran sẽ tiếp cận số tài sản bị đóng băng trị giá hơn 100 tỷ USD khi thỏa thuận hạt nhân giữa nước này và Nhóm P5+1 được thực thi. Điều này phụ thuộc vào thời điểm Tehran kiềm chế chương trình hạt nhân và được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận. Các quan chức giấu tên trên cũng cho hay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có thể tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran trong vòng 65 ngày nếu Iran không tuân thủ thỏa thuận. Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng thỏa thuận này có thể giúp bình thường hóa quan hệ của Tehran và quốc tế, thậm chí có thể giúp giải quyết một số cuộc khủng hoảng mà Tehran liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp. |